càng thấy bên cạnh các vị thánh đức trầm tư về Brahman, có vô số những
vị miệt thị các tu sĩ, hoài nghi về các thần linh, và thản nhiên nhận cái danh
dự là Nastik, tức bọn theo thuyết Hư vô. Sangaya, người theo thuyết bất
khả tri, không chấp nhận và cũng không phủ nhận rằng chết rồi, linh hồn
còn không, ông ta ngờ rằng con người không thể biết được gì cả, nên chỉ
chủ trương tìm sự an ổn thôi. Purana Kashyyapa không chịu nhận các giá
trị tinh thần và bảo linh hồn là tên nô lệ tiêu cực của ngẫu nhiên. Maskarin
Gosala bảo kẻ thiện hay người ác cũng bị số mệnh chỉ huy hết, không phải
cứ làm thiện thì được hưởng phúc, làm ác thì phải chịu hoạ. Ajita
Kaskambalin bi đát hơn nữa, cho con người chỉ gồm đất, nước, gió, lửa, và
bảo: “Kẻ điên khùng cũng như người hiền triết chết rồi thây rã ra thành cát
bụi, tiêu diệt hết chẳng còn gì cả”. Tác giả tập anh hùng ca Ramayana tả
Jababi, con người hoài nghi tuyệt đối chế nhạo Rama đã từ chối một vương
quốc để thực hiện ước nguyện:
Jababi, nhà bác học Bà La Môn có tài nguỵ biện,
Nghi ngờ đức Tin, điều Phải, Bổn phận, ông ta bảo vị quan hầu trẻ tuổi xứ
Ayogha:
Này Rama, tại sao lại để những lời cách ngôn tai hại đó làm mờ ám lương
tâm, méo mó trí óc như vậy.
Những cách ngôn đó đã làm cho bao nhiêu kẻ chất phác không suy nghĩ
phải lầm lạc?...
Ôi, ta thương hại những kẻ lầm lạc đó cứ mải miết đi tìm một bổn phận hảo
huyền.
Phí phạm dâng đồ cúng cho các thần linh, tổ tiên.
Thật là phí thức ăn! Thần và tổ tiên đâu có nhận tế lễ của ta!