chết. Theo thánh thư do đệ tử chép thì chính Ngài kể lại chuyện đó như sau:
Ôi, chư tăng, ta vốn tôn nghiêm và rất đổi đa cảm, lúc đó ta nghĩ bụng:
“Một người thường, vô học, khi trông thấy một ông già tất lo lắng, xấu hổ,
tởm vì nghĩ tới nỗi sau của mình. Và ta cũng vậy ta cũng sẽ phải già, không
tránh được cảnh già, thế thì ta cũng lo lắng, tởm khi thấy một ông già ư?”.
Ta nghĩ đường đường như ta thì không nên vậy. Rồi trong khi suy nghĩ, tất
cả lòng tự cao tự đại của ta hồi trẻ bỗng biến mất… Vậy, chư tăng, trước
khi được giác ngộ, chính ta cũng phải theo luật thiên nhiên là do cha mẹ
sinh ra, ta suy nghĩ về bản thể của sự sinh, chính ta cũng phải theo luật tự
nhiên là sẽ già, ta suy nghĩ về bản thể của sự già nua, sự đau ốm, sự buồn
rầu và sự ô trọc. Và ta nghĩ bụng: “Ta phải theo cái luật “sinh” đó mà bây
giờ suy nghĩ về bản thể của sự “sinh” thì sẽ ra sao… và thấy được cái bản
thể đáng thương của sự “sinh”, ta mới tìm cái cảnh bình tĩnh cực kì của
Niết bàn”.
Tôn giáo nào thì mới đầu cũng suy nghĩ về sự chết, có lẽ nếu không có sự
chết thì không có các vị thần. Đối với Phật, những cảnh tượng đó làm cho
Ngài bắt đầu “giác ngộ”. Ngài như thình lình “cảm tâm”, quyết bỏ cha già,
vợ và con thơ lại mà sống cuộc đời một nhà tu hành khổ hạnh trong rừng
núi. Đêm sau Ngài rón rén vào phòng vợ để nhìn lần cuối cùng em bé
Rahula
. Đoạn chép trong thánh thư Phật giáo về lúc đó, các tín đồ
Gautama đều thuộc lòng. Đoạn đó như sau:
Ngọn đèn dầu – loại dầu có hương khí – đương leo lét cháy. Trên giường
có rắc hoa nhài và các thứ hoa khác, thân mẫu em Ruhula đương ngủ, bàn
tay đặt trên đầu con. Đức Bodhisattwa đứng ở bậc cửa, nhìn cảnh tượng đó
và nghĩ bụng: “Nếu ta gạt tay nàng ra để bồng con lên thì nàng sẽ tỉnh mất
và ta khó mà rứt ra đi được. Thôi để khi nào thành Phật, sẽ trở về thăm
con”. Rồi Ngài quay ra, bước xuống thềm.
Lúc đó chưa sáng. Ngài cưỡi con ngựa Kanthaka [Kiền trắc] ra khỏi châu