Thần học của Ngài là một thứ thần học vô thần, mà tâm lí học của Ngài
cũng là một thứ tâm lí học vô linh hồn: Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận
thuyết vô linh hồn, thuyết của Ngài hợp với thuyết của Hume. Chúng ta
không thể biết được chút gì cả ngoài những cảm giác ngoài ngũ quan; vậy
thì vật chất nào cũng là sức mạnh, thực chất nào cũng vận hành. Đời sống
chỉ là một sự biến dịch, một dòng thản nhiên sinh rồi tử; “linh hồn” là một
huyền thoại mà trí óc yếu ớt của ta, muốn cho tiện, đặt nó một cách vô lí ở
sau những trạng thái ý thức của ta. Cái “linh hồn siêu nhiên trực giác” chỉ
là một cái bóng; chỉ cảm giác có thực, nó tự sắp đặt rồi gãy thành kí ức,
thành ý nghĩ. Ngay cái “ngã” cũng không phải là thực thể ở ngoài những
trạng thái tinh thần đó; nó chỉ là sự tiếp tục của những trạng thái ấy, kí ức
của những trạng thái xảy ra thời trước hiện lại trong những trạng thái xảy ra
thời sau, thêm vào đó những tập tục tinh thần và luân lí, những khả năng và
xu hướng của cơ thể. Sự tiếp nối nhau của các trạng thái đó không do một
“ý chí” thần bí nào quyết định, mà do di truyền, thói quen, nội cảnh và
hoàn cảnh. Cái tinh thần nó chảy như dòng nước đó, mà bản thể chỉ là
những tâm trạng nối tiếp nhau, cái linh hồn đó hoặc cái “ngã” đó, do di
truyền và kinh nghiệm mà thành, không thể nào bất diệt được, nếu ta hiểu
bất diệt là có thể tồn tại hoài. Các vị thánh, ngay Phật nữa, chết rồi cũng là
hết.
Nhưng nếu như vậy thì làm sao giảng được sự tái sinh? Nếu không có linh
hồn thì cái gì đầu thai để trả lại nghiệp trong kiếp trước? Đó là nhược điểm
trong triết lí Phật; Ngài không bao giờ thẳng thắn giải sự mâu thuẫn giữa
thuyết tâm lí duy lí đó với sự chấp nhận thuyết luân hồi một cách dễ dàng,
chẳng phê phán gì của Ngài. Thuyết luân hồi rất phổ biến ở Ấn Độ tới nỗi
người Ấn nào không theo Hồi giáo cũng chấp nhận nó như một công lí,
nghĩa là một định lí hiển nhiên, không cần phải bàn bạc nữa mà cũng gần
như chẳng cần phải tìm kiếm chứng cứ nữa. Biết bao thế hệ ngắn ngủi kế
tiếp nhau trong xứ đó, nên tự nhiên con người nghĩ tới luân hồi của sinh lực
– hoặc, nếu muốn dùng ngôn ngữ thần học – của linh hồn. Phật tự nhiên có
ý niệm đó, như chúng ta hít không khí ở chung quanh ta: đó là điều duy