nhất mà không bao giờ Ngài nghi ngờ. Luôn luôn Ngài cho bánh xe Luân
hồi và luật Karma (Nghiệp báo) là đúng: Ngài chỉ nghĩ tới cách thoát ra
khỏi vòng luân hồi và thực hiện được ở trên kiếp trần này cảnh Niết Bàn,
rồi tới sự huỷ diệt hoàn toàn.
Vậy Niết Bàn là gì? Khó mà đáp một cách minh bạch quả quyết được, vì
Phật không cho biết chút gì về điều đó; còn những người nối chí Ngài thì
đưa ra đủ cách định nghĩa. Ngôn ngữ Sanscrit thường cho nó cái nghĩa là
“tắt” như ngọn đèn hay ngọn lửa tắt. Các thánh thư Phật giáo cho nó những
ý nghĩa như sau: a/ trạng thái thảnh thơi sung sướng mà người ta có thể đạt
được ngay trên cõi trần này sau khi diệt hết mọi tư dục; b/ sự giải thoát của
cá nhân khỏi cái vòng luân hồi; c/ sự tiêu diệt được ý thức cá nhân; d/ sự
hoà hợp cá nhân với Thượng Đế; e/ cảnh thiên đường sau khi chết.
Cứ theo lời dạy của chính Đức Phật mà đoán thì Niết Bàn cơ hồ như có
nghĩa là diệt mọi tư dục, nhờ vậy mà thoát cảnh luân hồi. Trong các sách
Phật giáo, từ ngữ đó thường có nghĩa thế tục vì ta thường thấy nhắc tới
danh từ Arhat (La Hán), trỏ một vị minh triết đã lần lần vượt được bảy giai
đoạn dưới đây: tự chủ, tìm được chân lí, có nghị lực, bình tĩnh, vui vẻ, tập
trung tư tưởng và đại độ. Đó là nội dung chứ không phải nguyên nhân của
Niết Bàn. Sở dĩ đạt được cảnh Niết Bàn là nhờ diệt được mọi tư dục và
trong hầu hết các sách giải thích đầu tiên thì Niết Bàn có nghĩa là an tĩnh,
thoát khỏi mọi nỗi đau khổ nhờ tự huỷ diệt mình được – theo nghĩa tinh
thần. Đức Phật bảo: “Và bây giờ ta giảng tới diệt đế. Diệt đế là diệt cho hết
mọi đam mê, là liệng bỏ, huỷ bỏ, tự giải thoát khỏi cái khát khao đó” – tức
cái dục vọng ích kỉ. Theo thuyết của Phật thì Niết bàn gần như đồng nghĩa
với toàn phúc, với trạng thái thoả mãn bình tĩnh của tâm hồn khi ta không
còn nghĩ lo về bản thân nữa. Tuy nhiên, Niết Bàn còn có nghĩa là huỷ diệt,
là thoát khỏi vòng luân hồi, phần thưởng cao nhất của người tu hành đắc
đạo.
Phật bảo rốt cuộc chúng ta thấy thuyết cá nhân về phương diện luân lí hay