Quang – ông này cũng soạn một bộ thông sử về Trung Hoa – các sử gia
Trung Hoa đã cặm cụi, có khi nguy tới tài sản, tính mạng nữa, chép lại
những biến cố trong một triều vua hoặc một triều đại; họ dùng hết cả sinh
lực và không chú trọng tới lời văn đẹp. Có thể rằng quan niệm của họ đúng,
có thể rằng chép sử phải là một khoa học chứ không phải là một nghệ thuật;
có thể rằng Gibbon khi tô chuốt câu văn, hoặc Carlyle
khi thuyết giáo,
đã làm sai các sự kiện của dĩ vãng. Nhưng chính người phương Tây chúng
ta cũng có những sử gia đọc rất chán, không thua một dân tộc nào khác về
cách viết từng pho sách mục đích để cho dĩ vãng khỏi bị phủ một lớp bụi
thời gian, mà rốt cuộc, chính những pho sách ấy lại bị lớp bụi của các thế
hệ sau bao phủ.
*
Loại tuỳ bút, tiểu luận
là một loại sinh động hơn; ở đây người viết được
quyền tha hồ tô chuốt câu văn, trổ tài hùng biện. Nhà văn nổi tiếng trong
khu vực này là Hàn Dũ mà sách được trọng tới nỗi tục lệ buộc rằng người
đọc trước khi cầm tới phải rửa tay bằng nước hoa hồng đã. Sinh trong giới
bình dân (nghèo) ông đạt được những chức vị cao nhất ở triều đình, và bị
nhà vua (Hiến Tôn)
ghét chỉ vì đã bộc trực can vua đừng ưu đãi đạo
Phật nữa. Theo ông, tôn giáo mới đó chỉ là một dị đoan của Ấn Độ; là môn
đồ nhiệt tín của đạo Khổng, ông bất bình vì thấy nhà vua khuyến khích sự
đầu độc dân chúng của thứ tôn giáo viễn vông đến bực mình ấy. Vì vậy
năm 803, ông dâng vua một bài biểu mà chúng tôi trích dẫn dưới đây vài
đoạn để độc giả có vài ý niệm về văn xuôi (cổ văn) Trung Hoa; miễn độc
giả đừng quên rằng một bản dịch đúng tới mấy cũng làm sai ý nghĩa
nguyên văn đi.
Nay thần nghe rằng Bệ hạ sai nhiều nhà sư lại Phượng Tường rước Phật
cốt, và Bệ hạ sẽ ngự lên lầu cao coi đưa Phật cốt vô cung, lại ban lệnh cho
các chùa thay phiên nghênh tiếp cho đúng lễ. Thần tuy chí ngu, nhưng cũng
biết rằng Bệ hạ không mê hoặc vì đạo Phật, sùng bái như vậy không phải