Phu tử linh động hơn
, và bộ Trúc thư [sử khắc lên thẻ tre], tìm thấy
trong mộ vua Nguỵ [Tương vương] [gồm trên mười ngàn chữ], môn chép
sử của Trung Hoa luôn luôn tiến bộ, và tới thế kỉ II trước T.L, xuất hiện
một công trình bất hủ, kiên nhẫn của Tư Mã Thiên, tức bộ Sử kí.
Được nối chức thái sử của cha vừa chép sử vừa coi thiên văn, Tư Mã Thiên
mới đầu sửa lại lịch rồi để hết thì giờ làm tiếp một công trình là chép sử
Trung Hoa từ đời Hoàng Đế đến thời của ông [đến năm -104 niên hiệu Thái
Sơ đời Hán Vũ Đế]. Ông không nhắm việc tô chuốc lời văn mà chỉ muốn
chép càng đủ càng tốt. Bộ sử của ông chia là năm phần: 1. Bản kỉ, chép
việc các đế vương; 2. Biểu, chép việc lớn việc nhỏ trong từng năm; 3. Thư,
ghi lại lễ, nhạc, luật, lịch thiên văn, tế lễ, sông ngòi, và thương mại (kinh
tế); 4. Thế gia, chép truyện các vương hầu, tướng quốc, tướng soái; 5. Liệt
truyện, chép tiểu sử các danh nhân.
Ông chép sử một khoảng thời gian gần ba ngàn năm, từ đầu tới cuối gồm
526.000 chữ viết bằng một cây nhọn lên thẻ tre. Khi hoàn thành công việc
suốt đời ông đó, ông trình lên nhà vua và với hậu thế như sau:
Kẻ hạ thần sức đã kiệt, mắt đã mờ, và chỉ còn vài cái răng. Kí tính suy tới
nỗi bây giờ biến cố nào xảy ra là quên ngay; bao nhiêu sinh lực đã dùng
hết vào bộ này rồi. Vì vậy mà xin bệ hạ nghĩ tới thành tâm của hạ thần, tha
thứ cho những chỗ sơ sót, và dám mong Bệ hạ khi nào rảnh ghé mắt coi
công trình đó, Bệ hạ có thể hiểu được lẽ thịnh suy của các triều đại cũ, lẽ
thành bại của thời này. Bộ sử này mà giúp ích cho quốc gia được chút nào
thì mục đích và nguyện vọng của suốt đời hạ thần đã đạt.
Văn Sử kí của Tư Mã Thiên không rực rỡ như văn của Taine, không có
những giai thoại lí thú
như của Hérodote, không có những suy tư ngăn
ngắn về triết lí các biến cố như của Thucydide, mà cũng không du dương
như văn của Gibbon
; môn chép sử ở Trung Hoa ít khi vượt lên cao mà
đạt tới nghệ thuật. Từ Tư Mã Thiên tới người cùng họ với ông là Tư Mã