lúa.
Một hôm tôi nói với một người bạn của tôi họ Tiền: “Nếu muốn thành một
hiền nhân, phải tìm cái lí của hết thảy mọi vật dưới gầm trời, thì tôi tự hỏi,
kiếm đâu được một người như vậy?”. Tôi trỏ sáu cây trúc trước nhà tôi và
bảo anh ta “cách”, nghĩa là tìm cái lí của chúng. Anh Tiền suốt ngày đêm
tìm dưới bụi trúc. Nghiền ngẫm ba ngày mà chưa ra, anh ấy mang bệnh,
bảo tại anh thiếu nghị lực, sức mạnh. Tôi bèn ra thay anh, cũng không tìm
ra cái lí của cây trúc, sau bảy ngày, mệt óc quá chịu không nổi, tôi cũng
phát bệnh. Chúng tôi nhìn nhau thở dài, bảo: “Phải có số phận mới làm
thánh được. Trời không cho mình làm thánh rồi”.
Thế là Vương Dương Minh thôi không tìm hiểu vũ trụ nữa, bỏ luôn cả việc
tìm các kinh, thư của Khổng giáo; ông cho rằng đọc trong cái tâm của
mình, thiền định để tìm hiểu cái “ngã” lại dễ đạt được sự minh triết hơn là
đọc tất cả các sách, tìm hiểu cả vạn vật. Bị đày làm cai trạm ở tỉnh Quí
Châu, một nơi núi non, dân còn dã man, mà lại đầy rắn độc, ông tìm được
trong bọn thảo khấu vài người bạn và một số môn sinh, dạy cho họ triết lí,
nấu cơm cho họ ăn, hát cho họ nghe. Một đêm, vào giờ tí, họ ngạc nhiên
thấy ông từ trên giường nhảy xuống đất mừng rỡ la lớn: “Rõ ràng là cái
thiên tính của tôi đủ rồi, đi tìm cái lí trong sự vật là lầm lẫn”. Bọn họ chẳng
hiểu gì cả, nhưng ông vẫn dần dần giảng cho họ thuyết duy tâm của ông:
“Tâm tức là lí, trong vũ trụ có cái gì ngoài cái tâm, có cái lí gì ngoài cái tâm
đâu”. Từ đó ông không suy diễn rằng Thượng Đế chỉ do con người tưởng
tượng ra; trái lại ông cho rằng Thượng Đế là một sức mạnh tinh thần bàng
bạc khắp vũ trụ, cực lớn, không thể là một người được, mà lại có thể có
thiện cảm hay ác cảm với con người.
Từ quan niệm hoàn toàn duy tâm ấy, ông cũng đạt tới những qui tắc luân lí
y hệt với Chu Hi. “Thiên lí toàn thiện, chấp nhận, theo đúng thiên lí, tức là
có đạo đức”. Khi người ta bảo ông, trong thiên nhiên, có hiền nhân mà
cũng có những con rắn, thì ông đáp – mà thánh Thomas d’Aquin, Spinoza