thể so sánh châu Âu thế kỉ XVIII rồi. Marco Polo viết: “Mỗi nghề có cả
ngàn xưởng và mỗi xưởng dùng mười, mười lăm, hai mươi, có khi tới bốn
mươi thợ… Bọn chủ nhân giàu nhất không thèm mó tay vào công việc nữa
mà chỉ vênh vang đi đi lại lại coi sóc, xem xét”. Những phường ấy, như các
nghiệp đoàn ngày nay, rán hạn chế sự cạnh tranh, định tiền công, giá cả, số
giờ làm việc; nhiều phường còn hạn chế sức sản xuất để giá khỏi xuống. Có
thể vì họ cố duy trì những truyền thống của nghề nghiệp mà khoa học
Trung Hoa mới chậm tiến, cuộc cách mạng kĩ nghệ chậm xảy ra; ngày nay
tất cả những chướng ngại, do chế độ đó gây ra mới một làn sóng bị cuốn đi
hết.
Những phường ấy đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ mà người Âu Tây thường
giao cho nhà nước; họ tự đặt ra qui chế cho họ và buộc mọi người phải theo
đúng; họ có những uỷ ban hoà giải chủ và thợ, hai phe được cử đại diện,
nhờ vậy mà ít có những vụ bãi công; tóm lại họ thành như một tổ chức tự
trị, tự chế định để lo cái lợi cho mỗi người mà tránh được cái cảnh lưỡng
nan, một là chịu hậu quả của chủ nghĩa phóng nhiệm, hai là bị nhà nước ức
chế. Không phải chỉ ngành thương mại và ngành kĩ nghệ có chủ và thợ mới
thành lập những phường; ngay những ngành nhỏ nhoi hơn: nghề thợ cạo,
nghề làm bếp, nghề khuân vác, v.v… cũng có phường; cả bọn hành khất
cũng họp nhau thành đoàn thể có qui tắc rất nghiêm. Tại các thị trấn, một
thiểu số dân lao động là nô tì; thường thường là những gia nhân bắt phải ở
với chủ trong bao nhiêu năm đó hoặc suốt đời. Gặp lúc đói kém, có kẻ đem
bán con gái hoặc những đứa trẻ mồ côi, thường với giá rẻ mạt; thời nào cha
cũng có quyền bán con gái làm tì thiếp cho các nhà giàu. Nhưng số nô lệ
không bao giờ đông đảo như ở Hi Lạp và La Mã; đa số thợ thuyền là những
người lao động tự do, hoặc thuộc vào một phường nào đó, còn đa số nông
dân được làm chủ ruộng của họ, họp nhau thành làng xóm gần như độc lập,
không bị chính quyền trung ương chi phối.
Hàng hoá thì gánh hoặc vác; người thì ngồi trên kiệu do phu khiêng, vai họ
chai, họ an phận. Đôi khi người ta dùng lừa để kéo xe, nhưng thường