đạo Khổng hợp lí, mà vì một tôn giáo mới mạnh hơn, an ủi được hạng bình
dân hơn, tức đạo Phật. Đạo này từ Ấn Độ bắt đầu truyền sang Trung Hoa
trong thế kỉ thứ nhất sau T.L, lúc đó không còn là học thuyết nghiêm khắc,
ảm đạm mà Đức Phật đã truyền bá năm trăm năm trước, không còn là một
đạo khổ hạnh mà là một tôn giáo linh động, vui vẻ thờ vô số thần linh hiền
từ trong một cảnh thiên đường rực rỡ; tức môn phái Đại thừa mà các nhà
thần học phái Kanishka đã sửa đổi cho thích hợp với cảm xúc của hạng
người chất phác. Phật giáo Đại thừa này tặng cho Trung Hoa được nhiều vị
thần có tai mắt như người, chẳng hạn Phật A Di Đà ở thiên đường, Phật
Quan Âm mới đầu là đàn ông, sau thành đàn bà, rất từ bi tha thứ cho mọi
người, lại thêm các La Hán, là mười tám vị trong số các đệ tử đầu tiên của
Đức Thích Ca, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân loại đau khổ và u mê, lạc
hướng. Khi nhà Hán sụp đổ, Trung Hoa chìm đắm trong cảnh loạn lạc, dân
chúng kiệt sức và chán nản hướng về đạo Phật, cũng như thời đó ở Âu
châu, thế giới La Mã hướng về đạo Ki Tô. Đạo giáo mở vòng tay đón tôn
giáo mới và lần lần hoà hợp chặt chẽ với đạo Phật trong tâm hồn người
Trung Hoa. Một số ông vua ngược đãi đạo Phật, các triết gia tố cáo tính
cách dị đoan của nó, các chính khách lo ngại vì thanh niên tự giam mình
trong các ngôi chùa, không giúp gì được cho quốc gia, nhưng sau cùng
chính quyền phải nhận rằng tín ngưỡng mạnh hơn chính quyền; các ông
vua sau phải hoà giải với các vị thần mới, cho phép các ông sư đi khuất
thực, xây chùa chiền, còn nhà Nho và các quan lại đành an phận nhìn thấy
đạo Khổng của mình chỉ còn là tôn giáo của giới thượng lưu. Đạo Phật
chiếm nhiều đền cũ, dựng chùa ngay bên cạnh các đền Đạo giáo trên ngọn
núi Thái Sơn thiêng liêng, tập cho dân chúng quen đi hành hương, giúp cho
văn học, kiến trúc, cả ấn loát nữa tiến bộ, tiêm vào tâm hồn Trung Hoa một
chút khoan hậu, nhân từ. Rồi, cũng như Đạo giáo, nó bắt đầu suy đồi, bọn
tăng lữ sa đoạ, một số thần linh ngoại đạo và các tà giáo trong dân chúng
xâm chiếm nó; rốt cuộc ảnh hưởng về chính trị của nó vốn yếu ớt, không
thời nào được mạnh, gặp lúc Khổng giáo phục hưng (đời Chu Hi) nhà Tống
thì tiêu ma luôn. Ngày nay chùa chiền hoang vắng, gần như không có một
nguồn lợi nào, các nhà sư phải sống cực khổ.