(1517) với những chiếc tàu đẹp đẽ và những khẩu đại bác ghê gớm của họ.
“Tàn bạo, không thừa nhận một pháp luật nào cả, coi tất cả các dân tộc
phương Tây
như những con mồi ngon, họ quả là bọn ăn cướp”, và thổ
dân coi họ là bọn ăn cướp. Mới đầu các đại diện của họ bị nhốt khám, đề
nghị thương mại của họ bị từ chối, và các cơ sở, kiến thiết của họ cứ lâu lâu
lại bị tàn phá vì người Trung Hoa vừa sợ vừa tức giận về thái độ, hành vi
của họ. Nhưng họ cũng giúp Trung Hoa diệt được các bọn ăn cướp khác,
nên triều đình Bắc Kinh thưởng công họ, năm 1557 cho họ được tự do ở
Áo Môn (Ma Cao), muốn tổ chức gì ở đó tuỳ ý. Họ xây cất ở đó nhiều
xưởng lớn nấu thuốc phiện, dùng đàn ông, đàn bà và cả trẻ con Trung Hoa;
chỉ một trong những xưởng ấy mà đã phải nộp cho chính quyền Bồ Đào
Nha Ma Cao một số thuế mỗi năm gần ba chục triệu quan [cũ] Pháp.
Rồi tới người Y Pha Nho chiếm Phi Luật Tân (1571) và đồng thời lập
nghiệp ở Đài Loan; tiếp theo là người Hoà Lan; sau cùng, năm 1673, năm
chiếc tàu Anh đi ngược dòng sông Quảng Châu, người Trung Hoa nổ súng
ngăn chặn, họ có hoả lực mạnh hơn, dẹp hết sức chống đối của Trung Hoa
mà đem hàng hoá vô bán. Người Bồ Đào Nha dạy cho người Trung Hoa
hút thuốc lá và đầu thế kỉ XVIII đem thuốc phiện Ấn Độ nhập cảng Trung
Hoa. Chính quyền Trung Hoa cấm ngặt, nhưng số người hút vẫn tăng lên
mạnh tới nỗi năm 1795, họ đã tiêu thụ tới 4.000 thùng.
Chính năm đó, triều đình Trung Hoa cấm nhập cảng thuốc phiện; năm
1800, nhắc lại lệnh ấy và đồng thời năn nỉ cả các nhà nhập cảng lẫn dân
chúng nghĩ tới cái hại của thuốc phiện, nhưng thuốc phiện vẫn phát đạt rất
mau; người Trung Hoa càng hăng mua, người Âu châu càng hăng hái bán
và bọn quan lại địa phương vui vẻ cảm ơn những kẻ hối lộ, sau khi bỏ túi
những món tiền “nhẩm sà”.
Năm 1838, triều đình Bắc Kinh quyết định phải cấm cho được việc nhập
cảng thuốc phiện, muốn ra sao thì ra; một viên quan cương quyết, Lâm Tắc
Từ, ra lệnh cho các nhà nhập cảng ngoại quốc ở Quảng Châu phải đem nộp