phiền nhiễu cho họ”. Để cho Nhật khỏi chiếm bán đảo Liêu Đông, Nga ép
Nhật phải trả đất đó cho Trung Hoa mà lấy một số tiền bồi thường [là 30
triệu lạng bạc]; ba năm sau Nga chiếm ngay Liêu Đông và xây thành đắp
luỹ liền. Năm 1898, vì hai nhà truyền giáo bị giết, Đức chiếm đất Giao
Châu. Trung Hoa trước kia là một cường quốc, bây giờ bị chia cắt thành
nhiều “khu vực ảnh hưởng”, trong mỗi khu vực thuộc về một cường quốc
châu Âu và họ, kẻ trước người sau, đòi các đặc quyền về khai thác mỏ và
về thương mại. Thấy Trung Hoa bị qua phân như vậy, Nhật nóng lòng cảm
thấy nước đó sau có thể ích lợi cho mình nhiều, bèn đứng về phía Mĩ, đòi
áp dụng nguyên tắc “khai phóng môn hộ”: họ công nhận các nước châu Âu
có “khu vực quyền lợi” nhưng các thuế nhập khẩu, phí tổn chuyên chở,
phải đồng đều cho mọi nước trên khắp lãnh thổ Trung Hoa. Muốn có một
tư thế tốt để can thiệp vào việc Trung Hoa, Mĩ chiếm Phi Luật Tân của Y
Pha Nho (1898) như vậy là xác nhận ý muốn chia phần rồi.
Trong khi đó, một bi kịch khác xảy ra trong vòng cung cấm ở Bắc Kinh.
Khi liên quân Anh Pháp vô kinh đô sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhì
(1860), nhà vua còn trẻ tuổi Hàm Phong chạy trốn lên Nhiệt Hà, rồi mất ở
đó năm sau, để lại một người em trai mới năm tuổi. Bà quí phi, mẹ của em
nhỏ đó, nắm hết quyền trong nước – sử gọi là Từ Hi thái hậu – khéo trị
nước suốt một thế hệ, mặc dầu tàn bạo và trắng trợn. Thời trẻ bà dùng nhan
sắc mà chiếm địa vị hơn người. Bây giờ bà dùng tài năng và nghị lực mà
thống trị. Khi con trai bà chết đúng vào lúc sắp tới tuổi trưởng thành
(1875), bà chẳng kể gì tới tiền lệ, bất chấp các lời dị nghị, đưa lên ngôi một
vị thanh niên nữa, Quang Tự, để bà tiếp tục cầm quyền. Trong một thế hệ,
bà thái hậu cương quyết ấy được một số chính trị gia có tài giúp sức như Lí
Hồng Chương, giữ cho Trung Quốc được thái bình và tránh được phần nào
lòng tham vô độ của Âu, Mĩ. Nhưng Nhật Bản thình lình tấn công Trung
Quốc, thắng, sau đó đất đai, chủ quyền lần lần lọt vào tay cường quốc châu
Âu, nên tại kinh đô nổi lên một phong trào dân chúng mạnh mẽ muốn noi
gương Nhật Bản học hỏi Âu Tây, tổ chức một đạo quân mạnh, xây cất
đường xe lửa và các nhà máy, tóm lại là rán đạt được sức mạnh về kĩ nghệ