nhờ đó mà Nhật và Âu phú cường lên được. Từ Hi thái hậu và các quan cận
thần cực lực chống đối phong trào ấy, nhưng phong trào ngầm lôi cuốn
được vua Quang Tự lúc này có đủ quyền hành rồi. Rồi đột nhiên, nhà vua
không hỏi ý kiến “Phật Bà” – triều đình gọi thái hậu Từ Hi như vậy – ban
hành (1898) một loạt sắc lệnh táo bạo; những sắc lệnh này nếu thực hành
được thì Trung Hoa đã yên ổn nhảy được một bước lớn theo con đường Âu
hoá, nhà Thanh không bị sụp đổ mà Trung Hoa cũng không bị hỗn loạn,
khốn cùng. Ông vua trẻ ấy ra lệnh mở những trường mới để dạy không
những tứ thư ngũ kinh mà cả khoa học, văn học và kĩ thuật Âu Tây nữa;
ông tính xây cất đường xe lửa, luyện tập quân đội theo lối mới để đương
đầu với cơn khủng hoảng lúc này: “bị bọn cường quốc bao vây tứ phía,
khôn khéo buộc chúng ta phải nhường cho họ mọi quyền lợi, đè bẹp chúng
ta bằng sức mạnh tập trung của họ”. Thái hậu bất bình về những sắc lệnh
mà bà cho là táo bạo, cách mạng quá sớm đó, sai nhốt vua Quang Tự vào
Doanh Đài [trong hồ Tây Uyển], huỷ bỏ hết các sắc lệnh trên rồi lại nắm
hết quyền hành.
Lúc đó có một phong trào phản đối rất mạnh mẽ các tư tưởng Âu Tây mà
thái hậu khéo léo lợi dụng ngay. Một đảng lấy tên là Nghĩa Hoà Đoàn –
trong sử gọi là “Quyền phỉ” - mới thành lập để lật đổ nhà Thanh, tức lật đổ
bà. Họ nghe theo, đòi trục xuất hết bọn ngoại nhân ra khỏi nước, rồi vì
cuồng nhiệt ái quốc, họ bắt đầu hạ sát tất cả các tín đồ Ki Tô giáo ở khắp
nơi (1900). Liên quân tám nước [Anh, Pháp, Đức, Mĩ, Nhật, Áo, Nga]
lại tiến về Bắc Kinh, nhưng lần này để bảo vệ sinh mạnh các người Âu trốn
trong khu các công sứ quán; Thái hậu cùng hoàng gia và triều đình chạy vô
Tây An, và quân đội Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Mĩ tàn phá kinh đô, giết
rất nhiều dân chúng, cướp bóc của cải
. Liên quân buộc Thanh đình phải
bồi thường binh phí 330 triệu Mĩ kim
, và để đảm bảo số tiền ấy, họ tự
cho họ quyền kiểm soát nha thương chính Trung Hoa và nắm độc quyền
bán muối. Sau này Mĩ, Anh, Nga, Nhật trả lại Trung Hoa một phần lớn số
tiền bồi thường ấy, bằng cách họ cấp học bổng cho một số sinh viên Trung
Hoa qua học các đại học của họ. Cử chỉ quảng đại ấy giúp cho Trung Hoa