kết, thống nhất thời quân chủ; dân chúng mất thói quen theo truyền thống,
tuân luật pháp. Hình thức ái quốc mới không mạnh bằng tình gắn bó trước
kia với mỗi miền, làm cho Trung Hoa yếu đi, nội chiến nổi lên liên tiếp
giữa phương Bắc và phương Nam, giữa tỉnh này với tỉnh bên cạnh, giữa kẻ
nghèo và người giàu, giữa già và trẻ. Bọn đầu cơ tổ chức quân đội, chiếm
những tỉnh hẻo lánh, thu thuế
, đem quân chiếm các tỉnh bên cạnh để
mở mang khu vực. Ông tướng này đi, ông tướng khác tới, ông nào cũng
bóc lột, nên thương mại và kĩ nghệ suy sụp; các bọn cướp bắt dân chúng
“đóng góp”, không thì bị giết, không một tổ chức chính trị nào trừng trị
chúng được. Để khỏi chết đói, dân chúng phải đi lính cho các ông tướng,
hoặc ăn cắp, phá phách nhà cửa, ruộng vườn kẻ khác, và những kẻ này,
cũng vì lí do đó, lại phải đi lính hoặc ăn cắp của kẻ khác nữa. Những gia
đình siêng năng để dành suốt đời được bao nhiêu, hoặc trong năm để dành
được bao nhiêu thực phẩm, thì một ông tướng hoặc một đoàn ăn cắp tới vét
sạch. Chỉ riêng tỉnh Hà Nam, năm 1931, có tới 400.000 tên cướp.
Giữa lúc Trung Hoa đương cực kì hỗn loạn (1922), Nga phái qua hai nhà
ngoại giao có tài nhất, Karakhan và Joffe, để thuyết phục Trung Hoa theo
cộng sản. Karakhan “chuẩn bị khu đất”, tuyên bố từ bỏ pháp quyền trị
ngoại [nghĩa là từ nay người Nga ở Trung Hoa phải theo luật Trung Hoa, do
toà án Trung Hoa xử] mà các hiệp ước trước kia đã cho Nga được hưởng,
và kí một hiệp ước mới thừa nhận chính phủ cách mạng có chủ quyền về
lãnh thổ và cai trị ở Trung Hoa. Còn Joffe, tế nhị, lanh lợi, thì chẳng khó
nhọc gì cũng thuyết phục được Tôn Trung Sơn theo cộng sản vì ngoài Nga
ra, có nước nào tiếp ông đâu. Trong một thời gian cực ngắn, nhờ bảy chục
sĩ quan Nga giúp sức, một đạo tân binh được thành lập và huấn luyện. Do
một thư kí cũ của Tôn tên là Tưởng Giới Thạch chỉ huy, dưới sự hướng dẫn
của một cố vấn Nga, Michel Borodine, đạo quân ấy xuất phát từ Quảng
Châu, trực chỉ Hoa Bắc, chiếm hết thị trấn này tới thị trấn khác rồi vô Bắc
Kinh
. Thắng trận rồi thì nội bộ chia rẽ: Tưởng Giới Thạch đàn áp
phong trào cộng sản, lập một chế độ quân phiệt chuyên chính với một tinh
thần thực tế tới nỗi đặt ngay chế độ ấy dưới quyền một bọn doanh nghiệp