và lí tài.
Một dân tộc cũng như một cá nhân, khó mà không thấy vui thích trước
những đau khổ của láng giềng. Tôn Dật Tiên tưởng Nhật Bản phải là một
nước bạn và đồng minh với Trung Hoa để chống lại Tây phương, mà chính
Nhật Bản đã gián tiếp khuyến khích Trung Hoa làm cách mạng vì Trung
Hoa đã bắt chước Nhật khi thấy Nhật thành công trong việc Âu hoá từ kĩ
nghệ, ngoại giao tới võ bị; nhưng Tôn đã lầm: Nhật cho sự hỗn loạn, suy
nhược của Trung Hoa là một cơ hội tốt để giải quyết những khó khăn của
mình do sự Âu hoá gây ra. Vì một mặt không thể giảm bớt sinh suất đi
được (lính đâu để bảo vệ quốc gia khi bị tấn công?); mặt khác, không thể
nuôi một số dân mỗi ngày một đông, nếu không phát triển kĩ nghệ và
thương mại; sau cùng không thể tiến bộ về kinh tế được nếu không nhập
cảng sắt, than và nguyên liệu khác mà trong nước thiếu, và không hi vọng
gì phát triển thương mại được nếu không chiếm một phần lớn thị trường
cuối cùng mà các thực dân Âu Tây chưa chiếm. Mà người ta ngờ rằng
Trung Hoa có nhiều sắt, nhiều than; nó lại là thị trường lớn nhất thế giới ở
ngay cửa ngõ Nhật Bản. Có nước nào ở trong cái thế hoặc là trở về nền
kinh tế nông nghiệp, chịu cảnh nghèo khổ, hoặc là xông vào con đường đế
quốc kĩ nghệ, phát triển kinh tế, mà lại không thừa dịp các cường quốc
châu Âu đương chém giết nhau trên đất Pháp để bóc lột một nước Trung
Hoa đã ngã quị?
Thế là Nhật ngay từ đầu Đại chiến 1914-1918 đứng vào hàng ngũ đồng
minh, chiếm ngay tô tá địa Giao Châu mà Trung Hoa đã nhường cho Đức
mười sáu năm trước. Rồi Nhật đưa ra “hai mươi mốt điều yêu cầu”, bắt
chính phủ Viên Thế Khải phải chấp thuận, và một khi chấp thuận thì Trung
Hoa thành thuộc địa của Nhật cả về chính trị lẫn kinh tế. Chỉ nhờ sự phản
đối của Mĩ và phong trào tẩy chay mạnh mẽ hàng hoá Nhật do sinh viên
Trung Hoa phát động, mà kế hoạch ấy không thực hiện được. Sinh viên
khóc ở ngoài đường hoặc tự tử để tỏ nỗi uất hận vì quốc sỉ. Còn người Nhật
chỉ thản nhiên mỉm cười trước thái độ bất bình của châu Âu mà họ cho là