Thế rồi, từ các hải-cảng Hirada (Nhật-bản) Ma-cao (Tàu) Batavia,
Batam (Java) Madras Surate (Ấn-độ), các nhà buôn phương tây lui tới nước
Đại-việt.
Trước hết người Portugal đến mở cửa hàng ở phố Hội-an (Faifo) ở đấy
đã có các người Tàu, người Nhật và người Hollande (Hoà-lan) đến buôn bán
rất nhiều. Theo Maybon và Russier thì năm 1614, người Portugal (Bồ-đào-
nha) tên là Jean de la Croix đến lập lò đúc súng ở Thuận-hoá.
Ngoài Bắc, trước đã có tầu của người Portugal (Bồ-đào-nha) đi lại buôn
bán. Nhưng mãi đến năm 1637, đời vua Lê Thần-tông, Thành-đô-vương
Trịnh Tráng, mới cho người Hollande (Hoà-lan) đến mở cửa hàng ở Phố-
hiến (gần tỉnh Hưng-yên). Người Nhật-bản, người Tàu, người Xiêm-la, đến
buôn bán ở Phố-hiến kể có 2.000 nóc nhà, vui-vẻ lắm cho nên có câu tục
truyền « thứ nhất Kinh-kỳ, thứ nhì Phố-hiến ».
Năm 1672, người Anh (Angleterre) đem chiếc tầu Zant vào xin mở cửa
hàng buôn bán. Chúa Trịnh cũng cho xuống ở Phố-hiến. Nhưng vì sự buôn
bán không được thịnh lợi, người Anh chỉ ở đến năm 1697 thì thôi.
Còn người Pháp, năm 1680, có tầu vào Phố hiến. Năm 1682, lại cho
chiếc tầu Saint Joseph ở Xiêm-la sang, đem phẩm vật dâng chúa-Trịnh. Năm
1686, người Pháp tên là Ver-ret đến mở cửa hàng ở Cù-lao Poulo-Condore
(Côn-lôn). Năm 1749, người Pháp tên là P. Poivre đi chiếc tầu Marchault
vào cửa Hội-an xin yết-kiến chúa Nguyễn dâng quốc-thư và phẩm vật, tỏ
tình giao hiếu xin thông thương. Nhưng chẳng bao lâu công-ty Pháp ở Ấn-
độ bãi đi, cho nên sự thông thương với Đại-việt cũng thôi.
Trong thời kỳ này, chúa Nguyễn ở phương nam muốn nhờ người
Portugal (Bồ-đào-nha) bên ngoài thì chúa Trịnh muốn nhờ người Hollande
(Hoà-lan), giúp khí giới và quân lính để chống nhau. Vì lợi quyền buôn bán,
họ không ra mặt giúp hẳn, thành ra các Chúa không hậu đãi họ nữa. Cho nên
sự buôn bán của người Âu-châu ở trong nước bẵng đi từ đầu thế kỷ 18.
BÀI 21 : CÁC GIÁO-SĨ VỚI SỰ TRUYỀN GIÁO