Tuy Vua Chúa cấm dân theo đạo một ngày một nghiêm, nhưng người đi
giảng đạo vẫn hết sức dụ cho được nhiều người theo đạo, gây ra Lương Giáo
hai phe, ghen ghét lẫn nhau như cừu địch, đến nỗi bao người vô tội bị giết
hại, mất cả sự hoà hiếu với các nước tây-phương.
Gọi là đạo Gia-tô, bởi đạo ấy của Đức Gia-tô (Jésus Christ) lập ra.
Cũng gọi là đạo Thiên-Chúa, vì đạo này thờ một đức Chúa Trời, hoặc Cơ-
đốc, do chữ Christ là bậc cứu-thế.
Nguyên thủa xưa, toàn xứ Âu-la-ba không nhất định theo một tôn-giáo
nào. Mỗi dân tộc thờ một vài vị thần do sự tưởng-tượng mà có, như Grèce
(Hy-lạp) và Rome (La-mã) thờ thần Jupiter, thần Apollon… Dân Juifs (Do-
thái) ở đất Tiểu-á-tế-á (nay là Palestine) thì thờ Jéhovah ở thành Jérusalem
(Gia-lô-tan-linh). Dân Juifs tin rằng thần Jéhavah sinh hoá vạn vật và người,
cho nên người chỉ nên thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến khi dân La-mã kiêm
tinh được cả đất Tiểu-á-tế-á, đất bắc-Aphiligia và đất tây nam Âu-la-ba, dân
Juifs cũng thuộc về La-mã. Lúc này đức Gia-tô ra đời, nhân đạo Juifs mà lập
ra đạo mới.
Đạo Gia-tô dạy người ta lấy sự yêu mến và tôn kính Thiên-Chúa làm
gốc, lấy bụng từ-bi nhân thứ coi mọi người như anh em ruột thịt. Ông Saint
Pierre sáng lập giáo-đường ở kinh-thành La-mã ; ông Saint Paul thì đi truyền
đạo ở các xứ trong nước. Lúc đầu sự truyền đạo Thiên-Chúa gặp rất nhiều
trở ngại. Vua La-mã dùng cực hình mà giết hại các giáo-sĩ và những người
theo đạo.
Mãi đến đệ tứ thế-kỷ, vua La-mã là Constantin mới cho giảng đạo
Thiên-chúa tự do. Từ bấy giờ trở đi, đạo Thiên-Chúa một ngày một thịnh,
lập giáo-đường để thống nhất việc giáo, đặt giám-mục để coi việc giáo các
nơi, sai giáo-sĩ đi truyền đạo khắp trong thiên-hạ. Chỗ nào có người là có
các giáo-sĩ đến truyền đạo.
BÀI 22 : NGƯỜI TÂY PHƯƠNG VỚI VĂN-HOÁ ĐẠI-VIỆT