Vào thế kỷ thứ XVII, các giáo-sĩ người Âu, khi đến nước ta truyền giáo,
thấy nước Đại-việt chỉ có chữ nôm, phỏng theo chữ Hán (của Tàu), một thứ
chữ không có phương pháp viết nhất định, mà học lại tốn nhiều công phu,
các giáo-sĩ bèn mượn các chữ cái La-mã mà đặt ra thứ chữ « quốc ngữ »
bây giờ, để tiện việc dịch sách, soạn sách cho những người theo đạo học.
Quyển Tự-điển nhan-đề « Dictionnarium Annamiticum, lusitanum et
latinum » (nghĩa là Tự-điển An-nam Bồ-đào-nha và Latinh) và quyển sách
dạy đạo nhan-đề « Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn (muốn) chịu phép rửa
tôi (tội) mà bvào (vào) đạo Thánh đức Chúa Blời (Trời) », là 2 quyển sách
đầu tiên in bằng chữ quốc-ngữ, do Cố Alexandre de Rhodes soạn và được
nhà in của giáo-hội La-mã do Giáo-hoàng Urbain thứ VIII lập ra từ năm
1627 (2 quyển sách nói trên in ra năm 1651).
Rồi đến lúc đức cha Bá-đa-lộc (Evêque d'Adran. Pigneau de Béhaine)
qua giúp Nguyễn-vương sửa đổi cách phiên âm mà thành cách viết nhất
định như ngày nay.
Bá-đa-lộc soạn ra quyển Tự-điển Annam-Latinh. Quyển này sau được
Cố Taberd kế tiếp soạn ra cuốn Nam-Việt Dương-hiệp tự-vựng
(Dictionnarium Annamitico-Latinum) in năm 1838.
Từ đấy, sách viết bằng quốc-ngữ càng ngày càng nhiều. Sự in sách
quốc-ngữ cũng từ đấy càng ngày càng mở mang. Năm 1838, cuốn Tự-điển
của Cố Taberd không phải đem về in ở La-mã nữa, mà ở thành Sérampur
(thuộc tỉnh Bengale Ấn-độ) cũng đã có nhà in đúc chữ quốc-ngữ rồi. Kế đấy,
ngay cạnh nước Đại-việt, ở Bang-kok (kinh-đô Tiêm-la) nhà Chung cũng lập
ra một nhà in in chữ quốc-ngữ. Những sách về đạo như Tân-ước, cựu-ước
v.v… được xuất bản rất nhiều bằng quốc-ngữ. Do đó, số người biết đọc, biết
viết chữ quốc-ngữ càng ngày càng nhiều.
Chữ quốc-ngữ học đã mau biết, viết đã nhanh, lại diễn tả tư-tưởng một
cách rất rễ-ràng. Nếu chữ Hán là gốc rễ của nền văn-hoá Đại-việt, thì chính
chữ quốc-ngữ đã làm cho cây văn-hoá kia mau sinh hoa kết quả vậy.