- Từ quyển 8 đến quyển 9, giòng đầu : « Đại Việt sử ký bản kỷ toàn
thư », giòng mép tờ : « Việt sử bản kỷ » ;
- Từ quyển 10 đến quyển 14, giòng đầu : « Đại Việt sử ký bản kỷ
thật lục », giòng mép tờ : « Việt sử thật lục »
- …
- Vậy nay xin cứ chọn mà gọi cái nhan nào cần thiết và nêu được đặc
trưng của nó, như gọi Thông sử thay cho Đại Việt thông sử hoặc Hoàng
triều thông sử ; Toàn thư thay cho Việt sử bản kỷ và Việt sử thật lục…
Nhưng trong bảng liệt kê tên sách tham khảo, sẽ chua rõ ở trong hai dấu
ngoặc đơn.
Các bài bia lịch sử, xin cứ gọi theo ngữ pháp Việt-nam cho dễ hiểu,
như « Lam-sơn Vĩnh-lăng thần đạo bi ký » thì gọi là bài « Bia Vĩnh-lăng ở
Lam-sơn »…
4) Đối với các địa điểm lịch sử, tác giả xin cố gắng thận trọng. Chẳng
hạn như núi Chí-linh (đừng lẫn với Chí-linh ở Hải-dương) là chỗ, hồi tháng
hai năm nhâm dần (1422), Bình-định vương Lê Lợi đã từng cạn lương : sử
Cương mục chua là « ở mường Giao-lão, nay thuộc địa phận phủ Trấn-
định tỉnh Nghệ-an ». Nhưng thực ra không phải. Nay xin kê cứu lại mà
chua rõ là thuộc châu Lang-chánh, phủ Thọ-xuân, tỉnh Thanh-hóa.
Còn những địa điểm nào biết rõ là có tên nôm mà sử sách xưa chép ra
tên chữ Hán thì nay xin cứ chép tên Việt-nam cho dễ nhận biết, nhưng
không quên chua thêm rằng sử cũ chép tên Hán văn là gì để bạn đọc tiện tra
cứu. Lệ như cầu Ba-la là chỗ tướng Lý Triện, hồi kháng Minh, đã đại thắng
tướng giặc Minh là Mã Kỳ (năm bính-ngọ, 1426), sử cũ chép là « Tam la »,
thì nay xin nói là Ba-la và chú thích thêm rằng ở gần Bông-đỏ trên con
đường đi từ tỉnh-lỵ Hà-đông đến phủ-lỵ Thanh-oai.
5) Về tên người, tên đất, sử sách xưa chép toàn bằng Hán-văn. Đến khi
có sách báo quốc ngữ, người ta mới phải làm việc phiên âm những nhân
danh địa danh ấy. Nhưng vì Hán văn có chữ có từ hai âm trở lên, hoặc có
chữ tự dạng gần giống chữ khác, nên mới có nạn dễ lầm ! Nay xin cố gắng