vong mà sống sót lại, rồi trong bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu nỗi đau đớn ê
chề đã đào luyện họ thành dân-tộc Việt-nam với một tinh-thần tự chủ mạnh
mẽ… » (tr. 77-78).
*
Mới đây (1949), nhà sử học Dương kỵ, có viết trong cuốn Việt sử
khảo lược : « Muốn biết trong mịt-mù của tiền-sử giống người nào ở trên
đất Việt-nam bây giờ, thì phải đào xuống từng đất sâu nhất để tìm hài-cốt.
Hiện đã đào được những bộ xương gần giống người Úc-châu (Australien)
và người Papou-mélanésien cùng người Indonésien (đầu dài). Còn như
xương thuộc về chi Mông-cổ (đầu ngắn) tức là xương người Việt-nam bây
giờ thì ở từng lớp đất sâu nhất không thấy có. Xem như thế thì các giống
người đã sống về đời thượng cổ trên đất Việt-nam là giống người Mã-lai,
Úc-châu. Các giống người ấy đã để lại một ít đồ bằng đá, đồ gốm và một ít
đồ bằng kim khí. » (trang 15).
*
Sau khi trình bày các thuyết trên đây, ta có thể tóm tắt mà chia :
- Thuyết thứ nhất : Gốc tích dân tộc Việt-nam là một nhóm trong bộ
tộc Việt bị dồn đẩy từ nam bộ Trung-hoa mà di cư xuống Bắc-bộ và miền
bắc Trung-bộ Việt-nam.
- Thuyết thứ hai : Khởi nguyên của dân tộc Việt-nam là từ Tây-tạng,
theo lưu vực sông Nhị, di cư xuống miền trung châu Bắc-bộ Việt-nam.
- Thuyết thứ ba : Tổ tiên Việt-nam là « loài Giao chỉ », tức là loài «
có hai ngón chân cái giao lại với nhau ». Đó « là một loài riêng », vì «
không có loài nào như vậy ».
- Thuyết thứ tư : Người Việt-nam là giống Tam-miêu, hoặc Miêu-tộc,
bị Hán-tộc bức bách, phải lẩn núp vào rừng, hoặc phải xuống ở miền Việt-
nam ngày nay.
- Thuyết thứ năm : Khi bị Hán tộc áp bách, người Việt-tộc phải nam
tiến. Trong đám tiên phong nam tiến ấy có nhóm Tây-âu và nhóm Lạc-việt