là những phần-tử tinh nhuệ và dũng cảm hơn hết, mà Việt-nam thì thuộc
nhóm Lạc-việt. Về sau, người Lạc-việt vì ở miền trung châu phì nhiêu, nên
dễ phát triển hơn người Tây-âu ở miền rừng núi. Rồi do sức tự cường
chống được bao cuộc ngoại hoạn, họ đã lập thành quốc-gia độc lập, tức là
Việt-nam ngày nay.
- Thuyết thứ sáu : Giống người sống trên đất Việt-nam, về đời
thượng-cổ, là giống người Mã-lai, Úc-châu.
*
Dẫu sao những thuyết trên đây cũng chỉ là giả thiết hoặc suy đoán, chứ
chưa hẳn giải quyết được vấn đề. Mà vấn đề thuộc lĩnh vực của nhà khảo
cổ học và nhà nhân loại học này chưa biết đến bao giờ mới giải quyết xong.
Nhưng đến đây, ta hãy nêu thêm mấy câu hỏi :
1) Gốc tích dân tộc Việt-nam phải chăng là giống người đến từ các bộ-
lạc như các thuyết trên đã nói hay là người thổ-trước vốn có ở Việt-nam ?
2) Đồng bào thiểu số Thái và Mường trong đại gia đình Việt-nam ngày
nay phải chăng có thể làm tiêu biểu cho giống người Việt-nam cổ ?
Đối với câu hỏi thứ nhất, các sử gia Việt-nam còn đang lúng túng,
chưa tìm được câu trả lời. Đó cũng như các nhà sử học Trung-hoa hiện đại
đương chưa thể nói dứt khoát được rằng người Hán tộc ở Trung-quốc là
đến từ Ba-bi-lôn hay là thổ-trước nguyên có ở Trung-quốc. Nay dẫu chưa
thể giải quyết được vấn đề này, nhưng ta cũng không cần phải thắc mắc quá
lắm, vì rằng phát triển của lịch-sử là xây dựng trên phát triển của các sức
sinh sản, biến hóa của quan hệ kinh tế là cơ sở hết thảy biến hóa của quan
hệ xã-hội, còn trong giống người Việt-nam có pha chút máu của giống
người nào đi nữa cũng không phải là vấn đề trọng đại mấy. Mà sau này dù
có nhờ cái mai, cái thuổng của các nhà khảo cổ chứng tỏ rằng nguồn gốc
dân tộc Việt-nam là Việt-tộc, là Miêu-tộc, là In-đô-nê-diêng hay là giống
người Mã-lai, Úc-châu…, người ta vẫn còn có thể hỏi rằng phải chăng
người thổ-trước đầu tiên ở đây là giống Mê-la-nê-diêng hay trước giống
Mê-la-nê-diêng ấy còn có giống người thổ-trước trước nữa ?