chưa sáng tỏ, nên mới có chuyện huyết tộc kết hôn như thế, chứ không biết
giải-thích theo quá-trình diễn tiến của xã-hội loài người, đó chỉ là một hiện
tượng tất có ở dưới hình thức xã-hội thị-tộc.
d) Thờ tô-tem
Mỗi chủng tộc trong xã-hội tối sơ của loài người thường dùng một thứ
động vật hoặc thực vật làm sự sùng bái tổ-tiên. Đối-tượng hoặc phù hiệu
được sùng bái ấy gọi là tô-tem. Hiện nay còn nhiều bộ-lạc ở châu Úc, châu
Phi và rợ Sinh-phiên ở Đài-loan hãy còn di-tích lối thờ tô-tem. Ngay trước
mắt chúng ta, những vùng lạc hậu hãy còn thờ tranh con hổ, thờ hình mãng-
xà, thờ cây đa, thờ cây đề, ấy cũng đều là tàn tích sùng bái tô-tem từ xã-hội
thị tộc còn sót lại.
*
Vậy nay có thể suy đoán rằng Hồng-bàng thị trong truyền-thuyết ấy là
một xã-hội nguyên thủy sống dưới chế độ thị-tộc, bấy giờ ở vào thời đại đồ
đá, từ đồ dùng đến võ khí đều bằng đá cả. Còn thời đại mà truyền thuyết ấy
được lưu hành ở dân gian thì tất ở vào đời đã biết dùng đồ sắt, có lẽ vào hồi
thuộc Tần (khoảng 214-208 tr. C. n.), hoặc thuộc Triệu (207-111 tr. C. n.),
hoặc quá xuống nữa là hồi thuộc Tây-Hán (111 tr. C. n. – 39 s. C. n.), vì
bấy giờ dân gian đã quen thuộc với đồ sắt, nên truyền thuyết mới nói rằng «
Sơn-tinh giăng lưới sắt chắn ngang thượng lưu sông Từ-liêm ».