VII. HÙNG VƯƠNG HAY LẠC VƯƠNG ?
Dưới đầu đề sử học này, hai nhà học giả Ứng-hòe Nguyễn Văn-Tố và
Sở-cuồng Lê Dư đã từng thảo luận trên Tri-tân số 9 và Khai-trí tiến-đức
tập san số 5 – số 6… Nay xin nhắc lại lập luận của song phương rồi thử
tìm kết luận.
Ứng-hòe căn cứ vào An-nam chí lược của Lê Tắc và thiên khảo luận
về Việt sử của Henri Maspéro (Bác cổ tập san, quyển XVIII, số 3, trang 7),
cho rằng sở dĩ lầm Lạc vương ra Hùng vương là « vì chữ Hùng
雄 với chữ
Lạc
雒 giống nhau và dễ lầm lắm ». Vậy nên gọi là Lạc vương, chứ
không nên gọi là Hùng vương.
Trái với Ứng-hòe, Sở-cuồng chủ-trương « Hùng vương là Hùng
vương », chứ không thể nào gọi là Lạc vương được, vì căn cứ vào các sử
sách của ta như Việt sử lược
, Thiên Nam vân ngoại lục, Lĩnh Nam
trích quái và Việt điện u-linh thì đều thấy chép là Hùng vương cả.
Maspéro đã nói sử ta đều chép theo sử Trung-hoa, nhưng xét ra, các sách ta
đều chép rất rõ những sự tích đời Hùng mà các sách của người Trung-hoa
không thấy có một quyển nào chép đến cả.
Đồng ý với Maspéro và Ứng-hòe, mà trái với Sở-cuồng, nhà sử học
Đào Duy-Anh, trong cuốn Việt-nam văn-hóa sử cương, trang 17, cũng đã
mặc nhận hai chữ « Lạc vương », nên viết : « Các Lạc-hầu thì thần phục
một vị bá chủ là Lạc-vương. » Và : « Sử chép …người con trưởng làm vua
ở nước Văn-lang xưng là Lạc vương. Các Lạc vương họ Hồng-bàng kế
tiếp nhau được mười tám đời. » Đến cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt-nam,
trang 65, Đào quân khẳng nhận rõ ràng là « theo ý kiến của nhà Chi-na-học
H.Maspéro cho rằng chữ Hùng vương
雄王 chính là chữ Lạc vương 雒王
viết lộn ra », nên lại viết : « Các bộ lạc thì ở dưới quyền tù trưởng gọi là lạc
tướng, các lạc tướng thì phục tòng ít nhiều một vị tù trưởng có thế lực hơn
hết cả gọi là lạc-hầu hay lạc-vương – Lạc-hầu và lạc-vương, theo ý chúng
tôi (lời Đào quân), chỉ là một… »