viên. Một người học trò cần mẫn có thể đi đến nhiều đô thị khác nhau để học một lĩnh vực đặc biệt nào
đó với các đại sư danh tiếng. Phụ nữ được các thầy giáo tư nhân kèm riêng, có thể làm đảm nhiệm vai trò
điều dưỡng, nữ hộ sinh và thầy thuốc phụ khoa.
Một vụ tai tiếng liên quan đến cái chết của một bệnh nhân tại một bệnh viện ở Baghdad năm 931 được
coi như là nguyên nhân thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống chính quy hơn để kiểm tra các thầy thuốc.
Báo cáo về kết quả việc kiểm tra này cho thấy 169 trong số 860 thầy thuốc hành nghề tại Baghdad không
đạt yêu cầu. Việc kiểm tra chính quy các dược sĩ bắt đầu vào thế kỷ thứ 9. Các quy định và luật lệ thay
đổi rất nhiều tùy theo thời gian và không gian trong khắp thế giới Hồi giáo. Nhằm đáp ứng với tình trạng
cho rằng chất lượng của các thầy thuốc không được quản lý, có nhiều cẩm nang dành cho người bình dân
mách phương pháp làm thế nào kiểm tra chất lượng bác sĩ nhằm phân biệt thầy thuốc chân chính với
lang băm. Những câu chuyện nói về cách thức bệnh nhân kiểm tra trình độ bác sĩ lúc nào cũng lôi cuốn.
Một ví dụ nổi tiếng là có một người đem nước tiểu của một con lừa đến thầy thuốc của mình và nói đó là
nước tiểu của một nữ nô lệ xinh đẹp. Người thầy thuốc khôn ngoan đáp rằng cô gái chắc bị quỷ ám, bởi
vì chỉ có con lừa mới tiểu ra như thế. Khi người thầy thuốc đưa ra cách chữa trị phù hợp là cho nó ăn lúa
mạch no nê, ông ta được bổ nhiệm làm y sĩ chính của vị Caliph.
Khi các cơ sở giáo dục tôn giáo gọi là madrasa ra đời, các ngành học về y học trở thành một phần tùy
chọn của chương trình đào tạo. Vào thế kỷ thứ 13, sinh viên tại một số trong các cơ sở trên có thể đi
chuyên về tôn giáo hoặc khoa học tự nhiên. Nhiều thầy thuốc than phiền rằng các chuẩn mực của việc
đào tạo và thực hành y học bị xuống cấp bởi vì các bệnh viện đào tạo bị thay thế bằng các cơ sở tôn giáo,
tại đây thần học và giáo luật làm lu mờ y học và khoa học.
Một số bác sĩ nổi danh là nhờ số tài sản khổng lồ mà họ kiếm được, một số khác được người đời nhớ
đến qua việc xây dựng bệnh viện và các bệnh xá từ thiện. Đa số các chuyên gia về đạo đức y học lập luận
rằng nên thu tiền khi chăm sóc người bệnh. Người thầy thuốc phải kiếm ra đủ tiền để nuôi dạy và cưới
vợ gả chồng cho con cái của mình, mà không cần phải nhúng tay vào những việc làm ảnh hưởng đến
việc nghiên cứu y học. Vì thế, điều quan trọng là người giàu có phải trả nhiều tiền để người thầy thuốc
có điều kiện chăm sóc người nghèo miễn phí. Mình vận quần áo trắng, có áo khoác, với chiếc khăn thầy
thuốc quấn trên đầu, tay cầm gậy bịt bạc, người xức nước hoa hồng, long não và trầm, người thầy thuốc
là một khuôn mặt đầy ấn tượng. Tuy nhiên, mặc dù các thầy thuốc học giả dành được sự trọng vọng,
nhưng những mối nghi ngờ về các thầy thuốc vẫn còn nhiều. Trong nhiều câu chuyện dân gian, con quỷ
hiện hình dưới lốt thầy thuốc, hoặc là thầy thuốc làm chết người bệnh vì dốt nát hoặc phản bội. Trong
một câu chuyện như thế, một vị thầy thuốc ám sát bệnh nhân bằng cách bôi thuốc độc vào mũi dao chích
máu. Nhiều tháng sau đó, chính bản thân ông thầy này cũng cần trích máu, ngẫu nhiên ông ta lại dùng
con dao đã tẩm độc. Một thầy thuốc nổi tiếng khác cho thấy rằng ông ta đã làm điều ngớ ngẩn khi tự điều
trị bệnh phù chân voi bằng cách cho mấy con rắn lục đói cắn vào mình. Nọc độc làm xẹp phù chân voi,
nhưng lại gây nên phong cùi, điếc tai và mù mắt. Thái độ đối với các thầy thuốc kiểu như thế này vẫn
còn thấy rõ trong tự sự của Jehangir, con của Đại đế Akbar (1542-1605). Sau khi mô tả nhà vua Akbar
già yếu đã chịu đựng như thế nào cách điều trị đã khiến cho con bệnh hết đi từ tiêu chảy sang kiết lỵ, từ
kiết lỵ sang táo bón rồi từ táo bón sang tiêu chảy và cuối cùng tử vong, Jehangir kết luận rằng nếu không
do ý của Thượng đế và sai lầm của thầy thuốc thì chẳng có ai đến nỗi phải chết cả.
CÁC BẬC THẦY CỦA NỀN Y HỌC HỒI GIÁO