người là sinh vật thế thân thích hợp cho con chuột. Pulex irritans, bọ chét ở người, không sánh được với
bọ chét chuột về khả năng gây nhiễm, nhưng với các tình huống thích hợp thì số lượng có thể chuyển
thành chất lượng. Mặc dù bọ chét luôn gây phiền toái cho người cũng như mang mầm bệnh, nhưng
Thomas Moffet (1553-1604), tác giả của bài hát ru Cô bé Moffet, lại cho rằng dù có nhiều chấy rận là
bẩn thỉu, nhưng chẳng có gì xấu hổ khi trên người có bọ chét cả.
Một khi làm sáng tỏ được mối liên hệ giữa chuột và dịch hạch, nhiều người có thẩm quyền tin rằng chuột
đen, Rattus rattus, là nguồn duy nhất gây ra các trận dịch hạch. Tuy nhiên, hầu như cả 200 loài gặm
nhấm đều được coi là ổ chứa dịch hạch. Quan niệm “dịch hạch hoang dã” (sylvatic plague) thừa nhận ý
nghĩa sinh thái của Y. pestis trong số nhiều loài động vật hoang dã.
Có một vài tranh cãi về vai trò của chuột đen tại châu Âu trong giai đoạn đều của thời kỳ Trung cổ. Càng
tù mù thêm là các nhà biên niên sử thời cổ không phân biệt được giữa chuột nhà (rat) và chuột nhắt
(mice) khi họ đề cập đến vật hại (vermin) và các hành vi kỳ dị được coi là điềm báo trước tai họa. Các
thầy thuốc và thường dân thời Trung cổ có lý mà sợ hãi khi lũ chuột nhà, chuột nhắt, chuột chũi và
những con vật khác bình thường vẫn sống dưới đất lại chui lên, cử động như thể bị say rượu, và rồi chết
hàng loạt, và sau đó xuất hiện dịch bệnh. Tuy nhiên, những điềm lạ này rất giống với ý tưởng là các thứ
hơi độc từ trong lòng đất xông ra ngoài không khí để tạo nên những thứ chướng khí.
Có thời điểm trong thời Trung cổ, lũ chuột nhà lên đường vào châu Âu, tìm thấy các điều kiện ăn ở tuyệt
vời trong các thành phố và làng mạc, và chọn làm chỗ cư trú vĩnh viễn. Đô thị thời Trung cổ qua khung
cảnh mờ ảo của mối hoài niệm thì quả là hữu tình, nhưng thực ra đó là nơi bẩn thỉu, không tốt cho sức
khỏe, đầy rẫy những ngõ hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, không khác gì ổ của loài gặm nhấm, bao quanh đó
là những mảnh vườn, chuồng lợn, cửa hàng, nhà ở và những lán trại cho súc vật và con người. Có lẽ
không phải chỉ là sự trùng hợp đánh dấu sự sụt giảm số ca mắc dịch hạch tại châu Âu xảy ra cùng một
lúc khi chuột đen bị một lũ chuột nâu, Rattus norvegicus, từ nơi khác đến giành chỗ.
Mặc dù dịch hạch thể hạch có thể đã xảy ra từ thời rất xa xưa, nhưng những mô tả đầu tiên về “dịch hạch
và các bệnh dịch” rất mơ hồ để có thể đưa ra những chẩn đoán chuyên biệt. Vì thế, trận dịch hạch
Justinian năm 540 thường được coi như là trận dịch hạch đầu tiên tại châu Âu. Những đợt bùng lên sau
này có thể theo dõi trong nhiều thế kỷ kế tiếp. Cuối cùng, bệnh dịch hạch dường như tàn dần ở châu Âu,
nhưng sau đó cứ theo từng thời kỳ có những đợt mới xâm nhập từ các cảng vùng Địa Trung Hải.
Theo sử gia Procopius (khoảng 500-562), thì dịch hạch bắt đầu tại Ai Cập vào năm 540, và chẳng bao
lâu sau đó đã lan ra khắp nơi, gây chết cho đàn ông, đàn bà và con nít xứ nào cũng có. Trong khi bệnh
dường như từ các vùng ven biển tràn vào đất liền, bất cứ nơi cư trú nào của con người đều có khả năng bị
ảnh hưởng, dù xa biển bao nhiêu. Nhiều người trông thấy ma quỷ trước khi bị bệnh tấn công, có người
xỉu ngay ngoài đường như thể bị sét đánh; người khác thì chui vào bên trong nhà khóa cửa lại để tìm sự
an toàn, nhưng ma quỷ vẫn cứ hiện ra trong giấc mơ và chính họ cũng bị bệnh quật ngã. Hoảng loạn và
kinh hoàng tăng lên khi số người chết tăng, cuộc sống hầu như ngừng lại; chỉ có những người nhặt xác
chết len lỏi tìm lối đi trên các đường phố chất đầy các xác thối rữa. Khi con số người chết hàng ngày lên
đến số ngàn, thì số lượng thợ đào huyệt và số huyệt cũng trở nên hiếm hoi thành ra người ta chất đầy xác
chết lên thuyền rồi kéo ra bỏ ngoài biển. Những người còn sống sót thì không bị bệnh tấn công trở lại,
nhưng sự sa đọa và phóng túng dường như làm héo mòn những ai đã từng chứng kiến và sống sót qua
được những nỗi kinh hoàng của trận dịch hạch.