Người ta thường cho rằng đến cuối thế kỷ 19 thì không ai còn làm trích huyết nữa, nhưng trong ấn bản
năm 1923 của quyển “Những nguyên tắc và thực hành y học” của William Osler - “Thánh kinh” của
ngành y cho nhiều thế hệ bác sĩ Mỹ, cho biết sau một thời gian tương đối ít được nhắc tới, người ta quay
lại sử dụng trích huyết để điều trị suy tim và viêm phổi. Thật vậy, việc trích huyết quay trở lại bắt đầu
vào năm 1900, nhất là trong điều trị viêm phổi, sốt thấp khớp, xuất huyết não, phình động mạch, động
kinh là do người ta cho rằng những bệnh này có liên quan đến kinh nguyệt. Trích huyết được cho là có
tác dụng làm giảm đau và giảm khó thở và có vai trò quan trọng trong điều trị các chứng sốt bởi vì nó
làm giảm thân nhiệt. Phải làm cái gì đó hơn là bó tay, đó là điều mà bác sĩ và bệnh nhân đều không
muốn, người thầy thuốc không có nhiều phương cách để giúp cho người bệnh đang sốt. Thành ra, về mặt
thực tế mà nói, thì trích huyết làm cho bác sĩ, bệnh nhân và gia đình đều tin rằng đã thực hiện một điều gì
đó quan trọng, vốn đã được truyền thống y học uyên bác ủng hộ hàng trăm năm qua. Qua ghi nhận thấy
sự yên tĩnh ở những người cho máu, nhiều người cũng nêu ra thực tế là một bệnh nhân lặng lẽ, nhất là
khi bị rút máu đến mức gần như muốn xỉu, sẽ cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn và ít gây phiền toái cho
người chăm sóc hơn là một bệnh nhân vật vã, cuồng sảng và hạch sách.
SỰ TRUYỀN MÁU
Là một nhà khoa học, Harvey bày tỏ một sự hoài nghi đáng kính phục đối với những gì là giáo điều và
mê tín, nhưng với vai trò người hành nghề ông ta lại không có mấy sáng kiến và dường như không chú ý
đến khả năng điều trị bằng cách truyền máu. Tuy nhiên, các đồ đệ của ông chẳng bao lâu sau lại bận rộn
lo việc tiêm vào tĩnh mạch của người và động vật những thứ như thuốc, chất độc, chất dinh dưỡng, chất
màu và cả máu nữa. Trong một thời gian dài trong danh mục các phương pháp điều trị không nêu đến
việc tiêm truyền các chất thuốc vào mạch máu, nhưng chính các nhà thực nghiệm thế kỷ 17 đã nêu lên
nhiều khả năng đầy hấp dẫn về vấn đề này. Sự truyền máu được quan tâm nhiều từ 1660 đến 1680 khi
nhiều nước đặt ra ngoài vòng pháp luật thủ thuật nguy hiểm mang tính thử nghiệm này. Nhiều thí nghiệm
đầu tiên dựa trên lý thuyết về sự tuần hoàn dường như cũng chứa nhiều nghịch lý như sự hăng hái cứ tiếp
tục thực hiện trích huyết.
Mặc dù các thí nghiệm truyền máu đầu tiên mang lại nhiều kỳ vọng, nhưng mãi đến sau Thế chiến lần
thứ nhất sự truyền máu mới bắt đầu đáp ứng được 4 đặc tính cơ bản gọi là thành công của một kỹ thuật y
học, đó là - đơn giản, chắc chắn, an toàn, và mang lại tác dụng. Các cơ chế miễn dịch học bảo vệ cơ thể
chống lại các vật lạ xâm nhập và phân biệt giữa “tự thân và không phải tự thân” đã tạo ra những trở ngại
chính không làm cho việc truyền máu thành công được. Dĩ nhiên, khác với các nhà ghép tạng thế kỷ 21,
các thầy thuốc thế kỷ 17 không có lý do để nghĩ tới sự hiện diện những rào cản miễn dịch học giữa các
cá thể con người và giữa các loài. Tại sao họ phải nghĩ đến sự không tương hợp giữa người cho và người
nhận máu trong khi đa số các bậc thức giả đều tin rằng với 4 yếu tố và 4 chất dịch là đủ để giải thích đại
vũ trụ và tiểu vũ trụ?
Hàng loạt các thí nghiệm về sự truyền máu xảy ra sau khi lý thuyết của Harvey được chấp nhận đã dẫn
tới lắm người giành giật nhau về việc ai bắt đầu trước. Những nghiên cứu quan trọng đầu tiên về truyền
máu được thực hiện bởi Christopher Wren, Richard Lower, và Robert Boyle tại Anh, và Jean Denis tại
Paris. Theo quyển Lịch sử Hội Hoàng gia (1667) của Thomas Sprat, thì Christopher Wren là người đầu
tiên thực hiện các thử nghiệm bằng cách tiêm nhiều thứ khác nhau vào tĩnh mạch của động vật. Trong
các thí nghiệm trình bày tại các phiên họp của Hội Hoàng gia, các con vật bị cho xổ, làm cho ngộ độc,