chưa rõ, nhưng thủ thuật này có lẽ đã xuất hiện tại châu Mỹ và Cựu Thế Giới trước khi có các chuyến du
hành của Columbus.
Có lẽ trên một nửa số sọ cổ xưa bị khoan trên thế giới đã được tìm thấy tại Peru. Trước khi khoan, cả
thầy thuốc và bệnh nhân có lẽ đều nhai lá coca để làm cho tinh thần hưng phấn và phẫu thuật viên có thể
bôi một thứ chiết xuất từ coca lên sọ để gây tê tại chỗ. Mặc dù đây là một phẫu thuật dài và khó, nhiều
bệnh nhân hồi phục và sau đó sống một cuộc đời bình thường. Một số người trải qua hai hoặc ba phẫu
thuật, vì thấy trên sọ có nhiều lỗ khoan và có bằng chứng lành xương. Phẫu thuật này có lẽ được thực
hiện để điều trị các chứng nhức đầu trầm trọng, động kinh và chấn thương sọ, chẳng hạn như vết thương
lún sọ khi bị đập bằng gậy, bị ném đá hoặc chùy có gai trong chiến trận. Khoan sọ để lấy đi các mảnh
xương vỡ và làm giảm áp lực cho não bộ.
Nghiên cứu hàng trăm chiếc sọ bị khoan tại Peru, có niên đại từ năm 400 trước CN đến thập niên 1530,
người ta phân biết được 4 phương pháp khoan sọ: nạo xương, cắt xương hình chữ nhật, cắt xương hình
tròn và khoan rồi cắt. Nạo xương là cạo mỏng dần xương tại một khu vực cho đến khi đụng tới màng
cứng. Cắt xương hình chữ nhật là cắt 4 rãnh tạo thành một hình vuông và nạy mảnh xương ra. Cắt xương
hình tròn cho tỷ suất thành công và sống sót cao nhất. Phẫu thuật viên cắt nhanh một rãnh hình vòng
càng lúc càng sâu vào sọ cho đến khi tách được một mảnh xương. Khoan một loạt những lỗ nhỏ kề nhau
rồi cắt lấy ra từng mảnh xương là một kỹ thuật ít gặp và rất nguy hiểm bởi vì có thể đâm trúng vào não.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng nhiều yếu tố của y học cổ truyền trên 500 năm đã được truyền lại cho
người dân của vùng Andes tại Peru và Bolivia. Giống như phần lớn các hệ thống cổ truyền, nghệ thuật
chữa bệnh đặt nền tảng trên ma thuật, kinh nghiệm và tôn giáo. Một sự pha trộn hiếm hoi giữa Tây y và y
học cổ truyền của người da đỏ đã xuất hiện trong thập niên 1930 tại Puno, một vùng núi hẻo lánh thuộc
vùng đông nam Peru. Vào thời đó, sự quan tâm về các quan niệm và thực hành y học bản địa được
khuyến khích qua sự xuất hiện một phong trào quốc gia gọi là indigenismo, phong trào này nhấn mạnh
và tôn vinh các truyền thống và văn hóa bản địa. Phong trào này thúc đẩy hoạt động của Manuel Nunẽz
Butrón (1900-1952), một thầy thuốc đứng ra tổ chức đội xung kích vệ sinh nông thôn cho thổ dân tại
Puno. Mục tiêu của đội xung kích vệ sinh này là tôn trọng các giá trị bản địa, sử dụng người địa phương,
thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng đậu mùa, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, chống lại bệnh sốt
chấy rận và nhiều thứ khác. Điều tra dân số năm 1940 cho thấy ở vùng này tỷ số cán bộ y tế trên số dân
là 1 trên 24.000 dân. Tỷ số tại Lima là 1 trên 350 dân. Đội viên xung kích làm việc như các bác sĩ lưu
động, nhưng chỉ sau hơn một thập niên, do yêu cầu hiện đại hóa đã thay thế yêu cầu lý tưởng hóa văn
hóa truyền thống cho nên những đội xung kích này không tồn tại nữa.
BỆNH TẬT TẠI CHÂU MỸ
Các nền văn minh cao của châu Mỹ cung cấp khá nhiều tiêu điểm chuyên biệt để phân tích tác động của
những đợt xâm nhập đầu tiên của châu Âu, tuy nhiên ảnh hưởng trên các dân tộc bản địa thì khó đánh giá
hơn nhiều bởi vì cả một mạng lưới tiếp xúc rộng khắp và sự đa dạng rất lớn về dân số, văn hóa và môi
trường. Những ý kiến khái quát hóa mang tính suy diễn vẫn còn tiếp tục, cũng như những nghiên cứu chi
tiết của từng vùng và từng dân tộc. Ngay cả các phương thức định cư và toàn bộ dân số của châu Mỹ thời
tiền Columbus vẫn còn là những vấn đề gây tranh cãi. Nếu hầu như không có tranh luận gì về thực tế là
dân số của thổ dân châu Mỹ đã suy giảm ghê gớm sau khi tiếp xúc với người Âu, thì tầm vóc của sự sụp