LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 261

Mùa thu hoạch các loại hoa mầu, cuối mùa hè và đầu mùa thu, trùng với đỉnh điểm của mùa sốt rét.
Người da đen được coi là ít mẫn cảm với sốt rét so với người da trắng, nhưng sự “đề kháng” không thể
nào lường trước được. Ngày nay, những sự khác biệt về mức độ nặng nhẹ các cơn sốt và tính mẫn cảm
đối với bệnh này có thể giải thích theo độc lực của từng chủng ký sinh trùng sốt rét tìm thấy tại nhiều địa
điểm và những biến dị di truyền của người. Lấy ví dụ, những gene mã hóa bệnh thiếu máu hồng cầu hình
liềm và thiếu máu vùng biển, rõ ràng là làm tăng sức đề kháng đối với bệnh sốt rét (đối với những người
mang gene bệnh tức là dị hợp tử). Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm cũng giải thích các chứng đau
khớp, nhiễm trùng phổi, loét cẳng chân kinh niên, và tử vong ở trẻ em mang biến thể di truyền này.

Du nhập nô lệ từ châu Phi đến có nghĩa là cho nhập vào những thứ bệnh truyền nhiễm như sốt rét, đậu
mùa, ghẻ cóc, bệnh phong, bệnh giun rồng (bệnh Dracunculiasis), giun chỉ, giun đũa, sán dây, giun móc
và bệnh ngủ do nhiễm trùng roi trypanosoma. Khi việc nhập khẩu trực tiếp nô lệ từ châu Phi chấm dứt,
thì những bệnh châu Phi nào không thể tồn tại được tại châu Mỹ về cơ bản không còn nữa. Tuy nhiên,
một số lại định cư vĩnh viễn. Lấy ví dụ, ký sinh trùng gây bệnh ngủ (Trypanosoma gambiense) tới được
châu Mỹ, nhưng lại không có vectơ truyền bệnh là ruồi tsetse kèm theo, cho nên sẽ không trở thành bệnh
lưu hành được. Ngược lại, ký sinh trùng giun chỉ, Wuchereria bancrofti, tác nhân gây bệnh phù chân voi,
lại trở thành bệnh lưu hành tại nhiều vùng ở miền nam nước Mỹ. Thể trưởng thành của ký sinh trùng này
xâm nhập vào các mạch và hạch bạch huyết, làm cho những cơ quan này bị viêm, làm sưng tấy tại vùng
bị tấn công. Ký sinh trùng này có thể được lan truyền qua một trung gian là muỗi Culex quinquefasciatus
vốn có sẵn tại Mỹ. Một ổ dịch lưu hành bệnh giun chỉ tồn tại mãi đến thập niên 1920 tại Charleston,
South Carolina, nhưng bệnh phù chân voi đã xâm nhập đến những vùng khác của miền nam và thậm chí
cả miền bắc. Bệnh phù chân voi rất phổ biến tại Barbados vùng West Indies đến mức được gọi là bệnh
“chân Barbados”. Bệnh này cũng phổ biến tại Charleston, chắc là do Charleston và Barbados đều là các
hải cảng mà nô lệ đặt chân xuống đầu tiên khi đến châu Mỹ. Nhận ra được mối liên hệ giữa bệnh và
vectơ muỗi đã dấy lên một chiến dịch rộng rãi thanh toán muỗi tại thành phố này trong những năm 1920.
Đến thập niên 1940, Charleston được coi là “hết giun chỉ”.

Bằng chứng không đầy đủ tìm thấy trong các hồ sơ đồn điền, nhật ký, lời kể của các nô lệ, nội dung

phỏng vấn các cựu nô lệ, và truyện kể dân gian cho thấy rằng đám nô lệ sử dụng phương pháp điều trị
riêng của họ, có lẽ đi từ nền y học thảo dược truyền thống châu Phi, nhằm không phải theo những cách
điều trị do các bác sĩ da trắng chỉ định. Có cơ hội là đám nô lệ tìm đến các bà mụ, điều dưỡng, người
chữa bệnh bằng thảo dược, bằng rễ cây, và thầy phù thủy da đen. Ngoài việc chẩn đoán và điều trị bệnh
tật, một số thầy lang và thầy phù thủy da đen cho rằng họ có khả năng bảo vệ người nô lệ đối với người
da trắng và những nô lệ khác. Một số truyền thống chữa bệnh, nhất là các truyền thống gắn liền với tâm
linh và tôn giáo, cũng như trà thuốc, thảo dược, thuốc đắp, lời cầu nguyện, bài hát, những buổi tụ tập
quanh giường người bệnh có lẽ còn được duy trì trong các gia đình và cộng đồng da đen nhiều năm sau
thời Nội chiến.

CUỘC NỘI CHIẾN

Đặc trưng của miền nam, thấy rõ qua sự gắn bó với việc chiếm hữu nô lệ, vốn là “định chế đặc thù” của
miền này, chỉ là một trong nhiều nguyên nhân phức tạp của các xung đột đưa đến kết quả cuối cùng là
Cuộc Nội chiến, nhưng ít có ai nghi ngờ rằng sự chiếm hữu nô lệ là “có phần nào đó” nằm trong cốt lõi
của sự xung đột - theo lời Lincoln. Hàng thập niên trước khi nổ ra chiến tranh, khi Liên quân miền nam

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.