LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 277

người, trong đó 90% ở châu Phi. Một số thông tin có thẩm quyền cho biết thực ra hàng năm có đến 2,7
triệu người chết vì sốt rét. Sốt rét là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại châu Phi đến năm 1999, sau
đó bị bệnh AIDS thay thế.

Một trong những thành tựu lớn của khoa học y học thế kỷ 17 là việc phát hiện ra Quinine làm thuốc
chuyên trị sốt rét. Quinine là thành phần hoạt tính của cinchona (còn được gọi là vỏ cây Peru, bột của các
cha dòng Tên, hoặc vỏ cây của Quỷ), là một phương thuốc điều trị cổ truyền của người Peru được đặt
theo tên của nữ Bá tước Chinchóna, vợ của Phó vương Peru. Câu chuyện về bà Bá tước bị sốt mang tính
cách hư cấu, nhưng dù có sự ban phép lành của bà hay không, món thuốc của Tân Thế Giới cũng đã
nhanh chóng lan ra khắp châu Âu. Khi nhu cầu tăng, giá thứ vỏ cây kỳ diệu này đã bị đẩy càng lúc càng
cao, các tay lang băm tha hồ hốt bạc bằng cách bán những phương thuốc bí mật có chứa vỏ cây xứ Peru
hoặc những thứ gì đó có vị đắng như quinine. Đến cuối thập niên 1660, không còn mấy ai tin tưởng vào
tác dụng của vỏ cây xứ Peru nữa vì có nhiều thầy thuốc cho rằng thứ thuốc này là nguyên nhân gây nhiều
đợt tái phát và đột tử. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Sydenham tin rằng quinine là thứ thuốc an toàn và
có tác dụng; các tác dụng phụ chẳng qua là do sử dụng không đúng cách chứ bản thân thuốc không gây
tai hại gì.

Vỏ cây xứ Peru quan trọng không phải chỉ vì đó là thuốc trị sốt rét, mà còn ở giá trị tượng trưng của nó
khi thách thức với các nền tảng dược lý học từ thời xa xưa. Học thuyết y học cho rằng thuốc phải có tính
phức tạp và gây xổ ruột, nhưng vỏ cây xứ Peru chữa được bệnh sốt rét mà không cần phải xổ. Học thuyết
y học chính thống cho rằng phương thuốc mới “không hợp lý” bởi vì theo lý thuyết thì không thể nào
điều trị lành bệnh mà không tống ra ngoài cơ thể những chất có hại. Vì thế, nếu thứ vỏ cây này dường
như làm gián đoạn các chu trình của sốt thành cơn, những người chống đối cho rằng sử dụng vỏ cây xứ
Peru sẽ làm cho các chất nguy hiểm tích thụ bên trong cơ thể. Sydenham lập luận rằng kinh nghiệm có
tính thuyết phục nhiều hơn là lý thuyết; thứ thuốc này an toàn và có hiệu quả nếu tính toán cẩn thận liều
lượng, thời gian cho thuốc và thời gian điều trị. Vì vậy, về mặt thực hành và lý thuyết trong y học,
quinine mang tính cách mạng cũng giống như thuốc súng trong nghệ thuật chiến tranh.

Mặc dù Sydenham tin tưởng rằng vỏ cây xứ Peru vô hại, việc sử dụng quinine có thể gặp một số tác
dụng phụ rất khó chịu như nhức đầu, ói, gây phát ban và điếc tai. Thật vậy, một số thầy thuốc căn cứ vào
mức độ bệnh nhân than phiền ù tai để điều chỉnh liều lượng tối ưu cho từng bệnh nhân. Do có ít thầy
thuốc, hoặc bệnh nhân có thể chấp nhận quan niệm là bệnh nào thuốc nấy, cho nên vỏ cây xứ Peru được
kê đơn tùy tiện cho đủ thứ bệnh từ sốt, cảm cúm, say sóng, nhức đầu và say xỉn kéo dài. Nhưng quinine
là thứ thuốc chuyên trị cho bệnh sốt thành cơn là sốt rét. Còn việc đem chất này để làm thuốc giải nhiệt
và thuốc bổ chung chung nhiều khi chẳng mang lại lợi ích gì mà còn có hại nữa.

Vỏ cây xứ Peru đã chuẩn bị cho châu Âu một mối liên hệ mới với sốt rét. Hàng trăm năm qua, sốt rét và
các bệnh giết người khác đã ngăn cản không cho châu Âu xâm nhập vào lục địa châu Phi mênh mông. Vì
thế, quinine đã trở thành một trong những công cụ cho phép người châu Âu khai thác châu Phi, và phần
lớn châu Á nếu có điều kiện. Tại những vùng có sốt rét lưu hành, những biến dị di truyền nhẹ giúp nâng
cao sức đề kháng đối với bệnh đã tạo nên một lợi thế về tiến hóa mạnh mẽ. Sự hiện diện của những gene
gây ra những bệnh như thiếu máu hồng cầu hình liềm và thiếu máu vùng biển là một dạng tiến hóa như
thế. Vì thế, các nhà sinh học cũng như nhân chủng học đều quan tâm đến mối liên hệ giữa các
hemoglobin bất thường và sự đề kháng đối với sốt rét.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.