quản lý bệnh viện từ chối thực hiện những cải cách do Jacobi đưa ra. Các mạnh thường quân cai quản
nhiều bệnh viện cho rằng sứ mạng của bệnh viện là dẫn dắt đạo đức chứ không phải khoa học y học.
Các bác sĩ và phẫu thuật viên đều biết rõ là ngay cả một mũi kim chích cũng mở cửa cho cái chết. Người
bác sĩ cũng chịu những nguy hiểm không khác gì các bệnh nhân của mình; các vết thương nhỏ xảy ra khi
mổ xác hoặc làm phẫu thuật cũng có thể đưa đến cái chết vì nhiễm trùng toàn thân thường được gọi là
chứng nhiễm trùng máu của nhà bệnh học.
Có phần cường điệu hóa, các bác sĩ cảnh báo rằng sẽ an toàn hơn nếu tiến hành phẫu thuật trong một
chuồng ngựa, nơi mà các thầy thuốc thú y hàng ngày thực hiện thành công các phẫu thuật cho súc vật,
hơn là tại bệnh viện. Khi những thứ khí độc phát sinh từ các ảnh hưởng không thể tránh khỏi của vũ trụ
tràn ngập bệnh viện, thì điều chắc chắn là bệnh nhân nằm trong buồng bệnh sẽ bị những chứng như hoại
tử, viêm quầng (erysipelas), sốt hậu sản, nhiễm trùng huyết từ bệnh viện. Các thầy thuốc không ngừng
thảo luận về bản chất của các chứng bệnh trên, nhưng tất cả những thứ sốt đó có thể gộp lại thành từ
bệnh do nằm viện (hospitalism). Khi có những dịch sốt đặc biệt độc hại xảy ra, cách duy nhất để ngăn
chặn không cho nhiễm trùng lan rộng là đốt bỏ bệnh viện.
Điều khôi hài là, chính việc phát triển bệnh viện thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo y học có thể
là yếu tố chính gây ra các tỷ lệ tử vong kinh hoàng tại các bệnh viện giảng dạy lớn. Những thay đổi về
vai trò xã hội của bệnh viện cũng đã góp phần làm lan rộng đại dịch bệnh của bệnh do bệnh viện. Vào
thế kỷ 19, uy tín của nhiều bệnh viện đô thị thấp đến nỗi hầu như không có chuyện kinh dị nào được coi
là quá đáng. Dân nghèo khu ổ chuột tin rằng ai vô bệnh viện cũng sẽ chết và sau đó xác được các thầy
thuốc mổ để thỏa mãn sự tò mò về bệnh học của họ. Các nhà lãnh đạo bệnh viện ở Pháp phải đối mặt với
các tin đồn ghê rợn là có những phòng mổ nơi người ta lấy mỡ người để thắp sáng các ngọn đèn tại Khoa
Y của trường đại học.
Các bệnh viện lớn luôn được coi như là những chỗ đầy người chen chúc, bốc mùi, và phòng bệnh bẩn
thỉu. Các phẫu thuật viên than phiền là y tá ít khi tỉnh táo để làm việc; người bệnh phàn nàn là họ bị bỏ
đói cho chết. Máu, mủ, đờm, phân, và nước tiểu tràn lan trên nền nhà. Nhiều phẫu thuật được tiến hành
ngay giữa bệnh phòng khi phòng mổ riêng không có. Chậu rửa, nước và gạc được dùng chung cho một
loạt bệnh nhân, và những băng gạc thấm mủ được gom chung vào một “thùng đựng đồ mủ”. Có một ghi
nhận tích cực ở đây, chính từ các băng gạc thấm đầy mủ đã cung cấp các tế bào cho Friedrich Miescher
(1844-1895), bác sĩ và nhà hóa học, sử dụng để nghiên cứu tìm ra nucleic acid. Ngoài ra, nhờ số lượng
lớn bệnh nhân mắc đủ các loại bệnh đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý giá cho các thầy thuốc ngoại
khoa, bác sĩ và nhà bệnh lý trẻ.
Bệnh viện khởi đầu là nơi ẩn náu và từ thiện dành cho người ốm và an ủi cho người hấp hối. Khi lý
thuyết y học, đào tạo, thực hành, và quan tâm nhiều đến giải phẫu học bệnh lý, cũng như các yếu tố kinh
tế xã hội thay đổi, đã hình thành nhiều vai trò mới cho loại thể chế này. Nhưng bệnh viện vẫn còn mãi
gắn chặt vào cái ma trận nghèo đói và bố thí trong đó người ta coi trọng tính tiết kiệm và hiệu quả hơn là
sự sạch sẽ. Các nhà hảo tâm, nhà quản lý và thầy thuốc, với tư cách đại diện cho tầng lớp “ưu tú” nghĩ
rằng bệnh nhân thuộc “tầng lớp thấp” vốn phù hợp với sự chen chúc, bất tiện và bẩn thỉu; việc quá sạch
sẽ có thể làm cho tầng lớp này cảm thấy khó chịu và lo lắng.