công. Lấy ví dụ, những nghiên cứu về một vi sinh vật tìm thấy trên các nạn nhân bị bệnh hậu sản khiến
ông phải cảnh báo nhân viên bệnh viện là họ đã mang vi khuẩn từ phụ nữ nhiễm bệnh sang phụ nữ khỏe
mạnh, nhưng cũng giống như Oliver Wendell Holmes và Ignaz Philipp Semmelweis, ông không thuyết
phục được các thầy thuốc là cần phải thay đổi cách tiếp cận của họ đối với sản khoa và phụ khoa. Thật
vậy, một đối thủ bị xúc phạm đã thách đấu Pasteur vì ông này dám công kích danh dự ngành y. Tình
trạng thù địch mang tính cá nhân và dữ dội như thế ít khi gặp trong cộng đồng y khoa và y tế công cộng.
Lấy ví dụ, nhiều nhà vệ sinh học của một xứ sở ưa dựa vào thống kê như nước Pháp đã hồ hởi đưa công
trình của Pasteur vào các chiến dịch cải cách y tế công cộng của họ. Mặc dù một số thầy thuốc người
Pháp chống lại ý kiến của Pasteur bởi vì họ sợ rằng một hình thức y học dự phòng mới sẽ trở thành mối
đe dọa cho ngành y, nhưng đến năm 1895 thì sự chống đối này hầu như không còn nữa bởi vì người ta
thấy được các công cụ điều trị mới đầy uy lực này sẽ làm cho ngành y phát triển mạnh hơn. Dĩ nhiên
cuối cùng Pasteur và viện nghiên cứu mang tên ông trở thành biểu tượng của nền khoa học nước Pháp.
Theo nhà khoa học Françoise Jacob (1920-), người được giải Nobel, khi một bộ trưởng đề nghị một số
thay đổi tại Collège de France, tướng de Gaulle (1890-1970) đáp ngay: “Có ba thứ không được động đến
tại nước Pháp: Collège de France, viện Pasteur, và tháp Eiffel”.
Chính bệnh dại, một bệnh tuy hiếm nhưng gây chết người, và vi sinh vật không thấy được của nó mới là
thắng lợi nổi tiếng nhất của Pasteur. Trong quá trình tìm ra một thứ vaccine bảo vệ chống lại bệnh dại,
Pasteur đã đưa ra nhiều chứng cứ bảo vệ cho luận điểm là chỉ có ngành vi sinh mới chứng minh được vai
trò “vô cùng lớn của những vật thể vô cùng nhỏ trong tự nhiên”. Bước đầu tiên trong tất cả các nghiên
cứu trước đây của ông về từng chứng bệnh là phải tìm cho ra vi sinh vật gây bệnh, nhưng mọi cố gắng để
phát hiện tác nhân gây bệnh dại đều công cốc. Vào một thời điểm khi mà các nhà khoa học mới bắt đầu
đề ra các vấn đề về gây miễn dịch, Pasteur đã tạo ra một cú đột phá trí tuệ khi phát triển một loại vaccine
chống lại virus không thấy được. Vào thời kỳ này, thuật ngữ virus quen được dùng theo nghĩa không
chuyên để chỉ một tác nhân hoặc chất độc gì đó gây ra bệnh tật. Theo thuật ngữ virus học hiện đại, bệnh
dại là bệnh viêm não cấp tính chết người do nhóm virus ưa thần kinh thuộc chi Lyssavirus, họ
Rhabdoviridae. Đa số các ca dại là do động vật có vú cắn. Sau thời gian ủ bệnh khoảng từ vài tuần đến
vài tháng, virus tìm đường chui vào hệ thần kinh trung ương và tăng sinh tại đây. Virus dại sau đó theo
dây thần kinh phát tán đến các tuyến nước bọt và các cơ quan khác. Y học hiện đại đã tạo ra một cơ chế
bất ngờ giúp cho bệnh dại lây truyền từ người sang người. Có ba người chết vì bệnh dại trong năm 2004
sau khi được ghép tạng (phổi, thận, gan) có virus dại từ cùng một người cho. Người cho này không có
triệu chứng dại trước khi chết vì xuất huyết não. Trước đây đã có các báo cáo cho thấy ít nhất có 8 người
mắc phải virus dại qua ghép giác mạc.
Nếu nhìn vào những khó khăn khi theo đuổi dự án này, thì quả thật là khó hiểu vì sao Pasteur lại quyết
định nghiên cứu một bệnh hiếm gặp như bệnh dại trong khi có quá nhiều bệnh thông thường dễ tiếp cận
hơn nhiều. Có nhiều câu trả lời được đưa ra. Có lẽ đó là do ký ức ám ảnh về tiếng hú của lũ chó sói điên
quanh vùng Arbois khi Pasteur còn là một cậu bé, và tiếng gào của các nạn nhân khi bị đốt mô để điều trị
các vết thương chó cắn. Nói một cách khác, sự lựa chọn có thể đã phản ánh tham vọng của Pasteur và cái
khiếu thiên về những cảm xúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, những việc mà Pasteur đã làm cũng đủ đưa ông vào
hàng ngũ những người bất tử trước khi dấn thân vào một dự án rõ ràng là nguy hiểm, bởi vì việc nghiên
cứu bệnh dại phải bắt đầu với con vật đáng sợ nhất, đó là con chó dại.