có cuống) lấy từ má hoặc trán để tạo ra một cái mũi mới. Sau khi tách da để lấy miếng vá, thầy thuốc sẽ
nhanh chóng gắn miếng vá này vào vị trí của chiếc mũi bị cắt và phủ lên vết thương một miếng gạc sao
cho có vẻ thẩm mỹ. Do miếng vá có cuống được dùng làm mô ghép phải còn dính vào vị trí nguyên thủy,
phần di động chỉ có thể khâu vào chỗ nào gần nhất. Sau khi chỗ ghép đã mọc dính vào vị trí mới, người
ta mới cắt đi phần cuống. Nếu phẫu thuật viên có tay nghề cao, chắc tay, và dao bén thì toàn bộ phẫu
thuật sẽ xong dưới hai tiếng đồng hồ.
Trong suốt thế kỷ 19, thực dân Anh đã tạo điều kiện cho các bác sĩ phương Tây khảo sát các kỹ thuật nội
khoa và ngoại khoa cổ truyền của người Ấn Độ. Khi làm việc tại Bệnh viện Mắt Madras trong những
năm 1910, BS Robert Henry Elliot đã thu thập được 54 nhãn cầu trong một nghiên cứu về phẫu thuật
điều trị đục thủy tinh thể của người Ấn. Elliot tìm thấy bằng chứng về nhiều biến chứng nghiêm trọng,
nhưng, do tất cả những con mắt trên đều lấy từ người mù, cho nên những ca này chỉ đại diện cho các
trường hợp thất bại của các nhà phẫu thuật cổ truyền. Tiếc là Elliot chưa bao giờ quan sát một thầy thuốc
cổ truyền đang làm việc, nhưng những người cung cấp thông tin cho biết các thầy thuốc thường báo cho
bệnh nhân rằng phẫu thuật không cần thiết. Sau đó, khi vờ khám mắt, phẫu thuật viên bất thình lình chọc
một cái kim xuyên qua giác mạc và bóc ra thủy tinh thể. Ngay sau đó, ông ta kiểm tra thị lực của người
bệnh, băng mắt lại, lấy tiền công và dặn bệnh nhân nghỉ ngơi ít nhất 24 giờ. Elliot bực bội vì thấy rằng
như thế sẽ giúp cho phẫu thuật viên có thì giờ để chuồn trước khi kết quả ca mổ được xác định.
Mặc dù Susruta và Caraka đều đòi hỏi phải chú ý nhiều đến sự sạch sẽ, nhưng Elliot cho rằng các thầy
thuốc cổ truyền hiện đại không mấy quan tâm. Hơn thế nữa, nhiều thầy thuốc không lương tâm đã khinh
suất mổ cho các bệnh nhân bị teo thần kinh thị giác hoặc tăng nhãn áp hơn là bị đục thủy tinh thể. Nhiều
báo cáo do các quan sát viên thuộc địa có thể cung cấp một số kiến thức có giá trị về các kỹ thuật ngoại
khoa cổ truyền của Ấn Độ, nhưng những bằng chứng này không thể coi như là có liên quan trực tiếp với
khoa học về cuộc sống của người Ấn Độ. Các thủ thuật lệch lạc dựa trên kinh nghiệm, được thực hiện
vụng về và phi pháp dưới thời cai trị của thực dân, đúng ra chỉ là những mối liên hệ cực kỳ mỏng manh
đối với các thầy thuốc uyên bác mà Susruta và Caraka phác họa.
Tiếc thay, mặc dù trên lý thuyết, Ấn Độ có một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu rộng lớn, một bệnh
xá công lập cho mỗi 3.000-5.000 dân, nhưng các bệnh xá này thường đóng cửa vì thiếu bác sĩ, điều
dưỡng, thuốc, nước sạch và điện. Dân làng buộc phải nhờ đến thầy lang cổ truyền và những “bác sĩ” tư
không được đào tạo chính quy. Những thầy thuốc này cho tiêm kháng sinh và truyền dung dịch glucose
dù thiếu dụng cụ vô trùng.
Khoa học và y học phương Tây có chỗ đứng tại Ấn Độ, nhưng nền y học Ayurvedic và truyền thống
chữa bệnh bằng tôn giáo vẫn còn mang sự an ủi cho hàng triệu người dân đang khổ sở vì những bệnh tật
thể xác và tâm thần. Tại phần lớn vùng nông thôn Ấn Độ ngày nay, việc điều trị bệnh tâm thần thường
xảy ra tại các “ngôi đền chữa bệnh” truyền thống hơn là tại một bệnh xá hoặc bệnh viện. Khi các thầy
thuốc tâm lý được đào tạo theo y học Tây phương đánh giá những bệnh nhân được điều trị tại những
ngôi đền trên, họ tìm thấy một số ca bệnh tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng, những rối loạn ảo giác,
và những cơn cuồng sản. Sau một thời gian vào đền khoảng 5 tuần, nhiều bệnh nhân đỡ bệnh một cách
đáng kể dựa trên cách phân loại chuẩn các bệnh tâm thần. Các thầy thuốc tâm lý học cho rằng sự thuyên
giảm các triệu chứng là do các yếu tố văn hóa, sự mong mỏi, và khung cảnh hỗ trợ, vỗ về, che chở của
ngôi đền.