thuộc đời nhà Tần (221-206 trước CN) và nhà Hán (206 trước CN -220 SCN). Các nhà khảo cổ học và
học giả nghệ thuật cho rằng những chiến binh, ngựa, xe, nhạc công và gia súc bằng đất nung đóng vai trò
như những thứ tùy tùng tượng trưng để phục vụ cho thành phần quý tộc ở kiếp sau.
Phần lớn lịch sử Trung Quốc bị lu mờ vì chiến tranh và xung đột cho đến khi nhà Tần thu về một mối
vào năm 221 trước CN. Để thực hiện mục tiêu cải tổ toàn bộ, Tần Thủy Hoàng ra lệnh phá hủy tất cả các
bản thảo còn sót lại nhằm xoá bỏ đi các truyền thống lịch sử không được chấp nhận. Chỉ có một số văn
bản về y học, thuốc, bói toán, nông nghiệp và lâm nghiệp là thoát nạn. Qua nhiều thế kỷ xung đột, các
học giả cũng như nông dân đã đồng hóa những quan niệm vốn là cái sườn của nền y học cổ điển Trung
Quốc: sự tin tưởng vào tính thống nhất của vạn vật, cặp đôi âm dương, lý thuyết về ngũ hành và một nền
y học dựa trên lý thuyết vạn vật tương ứng (systematic correspondences).
Một số yếu tố của hệ thống này có thể truy nguyên đến thời đồ đồng của Trung Quốc, nhằm vào đời nhà
Thương, là triều đại phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15 trước CN. Đã có thời các học giả cho rằng triều đại
nhà Thương chỉ mang tính thần thoại, nhưng các khai quật bắt đầu từ những năm 1930 đã đưa ra bằng
chứng thời đại nhà Thương là giai đoạn hình thành của văn hóa Trung Quốc. Cái gọi là giáp cốt văn
(oracle bones), một dạng văn tự cổ Trung Quốc nhưng về cơ bản đã thuần thục (mature), đã cung cấp
nhiều kiến giải có giá trị về thời đại còn mang tính huyền thoại đó.
Giáp cốt sử dụng trong các nghi lễ bói toán được làm từ nhiều loại vật liệu trong đó có xương bả vai của
bò, cừu, và dê, mai rùa, gạc nai, và thậm chí xương sọ của người nữa. Người đời Thương tin rằng sự an
lạc của người sống phụ thuộc vào ý nguyện của linh hồn tổ tiên cai quản thế giới. Nếu tổ tiên phật ý, sự
bực tức của họ sẽ gây ra bệnh tật, mùa màng thất bát, và thất bại trên chiến trận. Nhằm chuyển những
câu hỏi về chiến trận, mùa màng, bệnh tật và dịch bệnh đến vong linh tổ tiên, người ta chuẩn bị kỹ lưỡng
các mảnh xương hoặc vỏ sò thích hợp cho nhà vua và các bốc sư. Trong nghi thức bói, người ta đặt ra
cho các vong (spirits) những cặp câu hỏi phản đề như sau, “Liệu nhà vua có khỏi bệnh” và “Liệu nhà vua
không khỏi bệnh”? Người ta dùng một cây que bằng đồng nung đỏ, cây nhang đang cháy hoặc một cục
than cháy đỏ để áp sức nóng vào giáp cốt. Nếu mảnh xương được chuẩn bị đúng mức, thì dưới sức nóng
sẽ hiện ra một cặp vết nứt có hình dạng chữ “bốc”, tức là một nét dọc có một nét ngang (|-) thẳng góc ở
chính giữa. Nếu giữa hai đường thẳng gần như thẳng góc, thì câu trả lời là có, còn ngược lại, thì câu trả
lời là không. Văn tự và bói toán đời nhà Thương hầu như bị quên lãng cho đến cuối thế kỷ 19 mặc dù có
thể tìm thấy giáp cốt tại hầu hết các tiệm thuốc Bắc. Khi thầy thuốc ghi “long cốt” trong các đơn thuốc
chữa một loạt rối loạn từ bệnh phổi đến chứng lo âu hoặc đái dầm, thì các tiệm thuốc bốc những mẫu nhỏ
xương và vỏ sò cổ trong số đó có những thứ đã được dùng để bói toán vào thời xa xưa. Từ thế kỷ 19 các
tay săn tìm hóa thạch đã phát hiện rằng những bộ sưu tập long cốt có chứa nhiều hóa thạch có giá trị,
hàng trăm, ngàn giáp cốt đã được thu lượm. Hãy tưởng tượng không biết bao nhiêu trong số này đã được
nghiền để làm thuốc.
TAM HOÀNG:
PHỤC HY, THẦN NÔNG VÀ HOÀNG ĐẾ
Lịch sử nhường bước cho thần thoại khi đề cập đến ba vị thiên đế được xem là bậc sáng lập ra nền văn
minh Trung Quốc. Phục Hy, được coi là người trị vì khoảng năm 2000 trước CN, là người khai sáng thần
thoại của triều đại đầu tiên của Trung Quốc. Những phát minh quan trọng nhất của ông này là chữ viết,