Sự kiện Lời Thề Hippocrates ngăn cấm không được đặt “vòng tránh thai chết người” có thể là bằng
chứng hùng hồn rằng Lời Thề này đại diện cho những lời giáo huấn của phái Pythagoras hơn là các thầy
thuốc Hy Lạp nói chung, bởi vì sự cấm đoán trên chỉ độc có phái này mới có. Con người thời cổ đại
thường chấp nhận cách phá thai và giết trẻ em để làm giảm dân số. Phá thai bằng phẫu thuật bị lên án vì
quá nguy hiểm so với sinh thường, chứ không phải nhất thiết vì vô đạo đức. Hơn thế nữa, những hài nhi
không mong muốn có thể làm lộ chuyện. Nói chung, các bà mụ lo việc sinh đẻ bình thường, sẩy thai, và
các chứng thuộc “bệnh đàn bà” còn người thầy thuốc có thể kê đơn những thứ thích hợp như xông hơi,
chườm nóng, súc rửa và đặt vòng ngừa thai. Mặc dù các tài liệu y học Hippocrates có bàn đến chi tiết
những bệnh phụ nữ, nhưng Hippocrates thừa nhận rằng do phụ nữ thường không muốn trao đổi với thầy
thuốc những vấn đề của mình thành ra có những bệnh đơn giản lại trở thành bệnh không chữa trị được.
Theo một số tính toán, phần tài liệu về bệnh phụ khoa chiếm một phần tư tổng tập y học Hippocrates.
Theo khuôn khổ đạo đức của thời cổ đại, các hình thức điều trị dành cho người giàu hoặc cho người
nghèo rất khác nhau. Đối với người giàu, mục tiêu thẩm mỹ của sức khỏe có ý nghĩa hơn nhiều so với
việc không có bệnh. Cố gắng để đạt được một sức khỏe ưng ý đòi hỏi phải có một chế độ phức tạp tốn
nhiều thời gian và hàm ý rằng người bệnh phải hoàn toàn phó thác việc chăm sóc đồ ăn, thức uống, vận
động, nghỉ ngơi và các khía cạnh khác trong cuộc sống của mình cho những thầy thuốc tài ba nhất.
Những bệnh nhân khác là người tự do nhưng lại nghèo thì có thể mong đợi một hình thức chăm sóc y tế
trung gian, hợp với thực tế mà không cần phải theo các chế độ chăm sóc được thiết kế dành riêng cho
từng người. Các phương thuốc điều trị có tác dụng nhanh được coi là phù hợp cho những ai thiếu thời
gian và tiền bạc, bởi lẽ người nghèo hoặc là phải mau chóng khỏi bệnh để làm việc hoặc là chết và như
thế đỡ phải lo thêm các rắc rối. Y văn Hippocrates chỉ ra rằng các thầy thuốc cũng có thể chữa bệnh cho
nô lệ hoặc đưa ra các điều trị bằng dinh dưỡng cho người nghèo. Nhưng có nhiều nguồn tài liệu lại cho
biết rằng trong đa số các trường hợp, cách điều trị cho nô lệ khá giống với điều trị trong thú y và do đám
đầy tớ của thầy thuốc thực hiện.
Lý tưởng mà nói, thì người thầy thuốc trong y học Hippocrates hành nghề không phải vì tiền, nhưng
cũng giống như các loại thợ khác đã có tay nghề cao, thì người thầy thuốc được phép nhận tiền công khi
thực hiện công việc của mình. Người thầy thuốc có đạo đức là người cân nhắc tình trạng bệnh nhân để
tính xem tiền công nhiều hay ít. Ông ta không được nhắc tới tiền công trước khi chữa bệnh, nhất là
những bệnh cấp tính, bởi vì điều này sẽ làm cho bệnh nhân lo lắng khiến chậm hồi phục. Có lời khuyên
cho những bệnh nhân nào không có tiền nhưng lại mong đợi được sự chăm sóc của người thầy thuốc lý
tưởng theo y học Hippocrates là hãy nhớ câu châm ngôn của người Hy Lạp: “Không có thù lao thì không
có thầy giỏi được”.
Nhiều tình cảm cao quý về thực hành nghề y và làm dịu nỗi đau được tìm thấy trong các tài liệu y học
Hippocrates, nhưng giới hạn của nghệ thuật này được quy định chặt chẽ. Nhận thức rằng nghề y không
thể chữa khỏi cho tất cả bệnh nhân, người thầy thuốc phải xác định bệnh nhân nào có thể tử vong để
tránh bị quở trách. Vì vậy, nguyên tắc cơ bản của y học Hippocrates là không được điều trị những ca
bệnh nếu nắm chắc là sẽ tử vong. Không giống như các tu sĩ đền thờ, là những người được thần thánh
bảo vệ và giải tội, người thầy thuốc trần tục ở một địa vị đặc biệt và dễ bị tấn công. Chỉ có tài năng,
thành công và hết mức tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức của nghề mới bảo vệ cho người thầy thuốc. Nói
cho cùng, thầy thuốc là một nghệ nhân, chịu sự phán xét của người bệnh - chứ không phải do các đồng
nghiệp - dựa trên các kết quả mà tài nghệ của anh ta mang lại.