giác. Khi xem xét máu qua các giác quan và lý thuyết về 4 thứ dịch, trong quá trình đông máu của máu
có thể giúp ta phát hiện được sự “tách rời” của 4 yếu tố. Phần đen nhất của cục máu có thể tương ứng với
mật đen, phần huyết thanh bên trên cục máu rõ ràng là mật vàng, và phần nổi trên cùng là dịch nhày
(phlegm). Nói một cách khác, dịch nhầy này có thể giống như nước mũi, mật vàng có thể là dịch đắng
chứa trong túi mật, và mật đen có thể là các chất đen đôi khi thấy được trong chất ói, nước tiểu và phân
(dấu hiệu chảy máu trong).
Theo lý thuyết y học Hippocrates, thì quá trình mà cơ thể chống trả với bệnh tật chẳng qua chỉ là những
hình thức tăng vượt của các chức năng sinh lý bình thường. Bệnh là một trạng thái trong đó cơ thể gặp
khó khăn nhiều hơn khi phải ứng phó với môi trường. Việc phục hồi sự cân bằng dịch thể sẽ đi qua nhiều
giai đoạn trong đó những chất còn sống ít hoặc không lành trong thể dịch sẽ trở nên đủ “chín muồi” để
được tống ra ngoài thông qua dịch thải, chất tiết, hoặc xuất huyết trong cơn nguy kịch, và kết quả cuối
cùng là hồi phục hoặc chết luôn. Trong các bệnh cấp tính, sự thải loại các chất không lành thường xảy ra
vào một số ngày trọng điểm. Nắm được diễn tiến của bệnh qua theo dõi những ngày trọng điểm cùng với
hình thức biểu hiện đặc trưng của các dấu hiệu và triệu chứng, người thầy thuốc có thể đẩy nhanh tiến
trình hồi phục nếu điều trị đúng cách.
Bệnh học về thể dịch giải thích được ngay cả bản chất của những bệnh tâm thần cũng như các bệnh thể
chất đáng sợ nhất. Thật vậy, không có trước tác nào trong tài liệu y học Hippocrates tấn công sự dốt nát
và mê tín một cách mạnh bạo và dai dẳng hơn là bài “Bàn luận về bệnh bị quỷ thần ám”. Hippocrates
tuyên bố rằng ngay cả bệnh bị quỷ thần ám, mà ngày nay ta gọi là chứng động kinh, cũng không có gì
thần thánh hơn bất cứ bệnh nào khác; bởi vì cũng giống như các bệnh khác, đều có nguồn gốc từ tự
nhiên. Nhưng, do sợ hãi những cơn co giật cứ tái diễn, không đoán được trên những người vốn trước đó
khỏe mạnh, cho nên những kẻ dốt nát mới gán cho các vị thần thánh. Những ai “chữa” được bệnh bằng
các ma thuật thì ủng hộ sự tin tưởng sai lệch về bản chất “thiêng liêng” của chứng bệnh này. Sử dụng
cách thanh lọc cơ thể, niệm bùa chú, và các nghi thức cúng bái kỳ quái, đám lang băm đã nhanh chóng
gây được tín nhiệm khi người bệnh dường như khỏi bệnh. Khi người bệnh tái phát hoặc tử vong, thì họ
đổ lỗi cho thần thánh hoặc do chính bệnh nhân. Người thầy thuốc theo trường phái Hippocrates coi
những cách hành nghề giả dối như thế là vô đạo và báng bổ thần thánh.
Trong khi coi khinh cách hành nghề ma thuật, thì Hippocrates lại không bỏ các giấc mộng. Phần lớn các
bệnh nhân đều kinh sợ một cách mê tín khi nói về giấc mơ, Hippocrates cố gắng liên kết giấc mơ với tình
trạng sinh lý của người bệnh. Một số giấc mơ có thể coi như là điềm báo trước của thần thánh, nhưng
một số khác rõ ràng là sự mong muốn đạt được hoàn thành một cái gì đó. Các giấc mơ có nhiều ý nghĩa
nhất đối với thầy thuốc khi cho biết trạng thái bệnh tật dưới hình thức tượng trưng bởi vì qua đó nó cũng
cho biết cách phải điều trị như thế nào.
Bệnh học về dịch cơ thể có thể giải thích được chứng động kinh, cũng như giải thích bất kỳ chứng bệnh
nào khác. (Thật vậy, một trong những vấn đề của thuyết về thể dịch là có thể giải thích dễ dàng mọi thứ
và thành ra chẳng giải thích cái gì cả). Hippocrates cho rằng khi đứa trẻ sinh ra bị chứng động kinh nếu
cả cha lẫn mẹ đều thuộc nhóm tính tình nóng nảy (phlegmatic), bởi vì chất dịch nhầy (phlegm) có thể bị
tích tụ quá nhiều trong thai kỳ và gây tổn thương cho bộ não của thai nhi. Nhiều triết gia thời cổ đại cho
rằng tim là nơi sinh ra ý thức, nhưng Hippocrates lại cho rằng não mới giữ vai trò này. Vì thế, dẫn đến
suy diễn là các tổn thương ở não mới gây nên những chứng bệnh nguy hiểm nhất.