tự hối, tối đã được hưởng lộc (làm quan) rồi.
Triêu (và Mục) đáp:
- Chúng tôi đã biết lẽ đó từ lâu, đã lựa lối sống từ lâu, đâu có phải đợi chú
giảng giải. Hạnh phúc ở đời là điều khó gặp mà cái chết thì dễ gặp. Đem
cái hạnh phúc khó gặp mà đổi cái chết dễ gặp, nghĩ xem có nên không?
Tôn trọng lễ nghĩa để khoe đức với người, làm trái tính tình của mình để
cầu danh, thì bọn tôi cho là thà chết còn hơn. Bọn tôi muốn tận hưởng hạnh
phúc ở đời trong khi còn sống, chỉ sợ bụng đầy rồi không ăn uống thêm
được nữa cho khoái khẩu, sức kiệt rồi không hưởng sắc dục được nữa cho
sướng thân, chẳng lo cái chuyện mang tiếng xấu hoặc nguy tới tính mệnh.
Vả lại chú lấy tài trị nước mà khoe với đời, muốn biện thuyết để làm rối
loạn lòng của bọn tôi, đem tước lộc để dụ bọn tôi, chẳng phải là bỉ ổi mà
đáng thương sao! Để tôi giảng cho chú nghe này: người nào tự cho khéo trị
ngoại vật, ngoại vật vị tất đã trị mà thân người đó đã khổ rồi; còn kẻ khéo
trị nội tâm, thì ngoại vật chưa chắc đã loạn mà tính tình mình được yên vui.
Cách trị ngoại vật của chú có thể tạm có kết quả trong một nước, nhưng
chưa hợp với lòng người; còn cách trị nội tâm của bọn tôi, có thể áp dụng
rộng ra khắp thiên hạ, (nếu theo đúng) thì không còn cái đạo vua tôi nữa.
Bọn tôi đã tính giảng cho chú cái thuật đó, ngờ đâu ngược lại, chú đòi đem
thuật của chú thuyết bọn tôi!
Tử Sản hoang mang không biết đáp sao. Hôm sau cho Đặng Tích hay,
Đặng Tích bảo:
- Ông sống với những bậc chân nhân mà không hay, vậy mà người ta cứ
khen ông là bậc trí. Nước Trịnh mà được thịnh trị là ngẫu nhiên đấy, đâu
phải là công của ông