Sáng nào ông cũng đến gặp em, một giờ, đôi khi hai giờ. Em và ông tán
gẫu lăng nhăng, nhất là ông. Riêng em chẳng nói mấy. Em thích lắng nghe
ông kể chuyện của ông hơn. Ông có khả năng bịa chuyện theo yêu cầu, chỉ
bắt đầu với ba từ mà em tình cờ đưa ra với ông, như một thử thách, và lúc
nào nghe tiếng ông cũng thấy vui. Ông có cách nói riêng, đầy những từ xa
lạ, những câu rủa khủng khiếp và những thành ngữ kỳ cục. Ông thường
thích thú trộn lẫn các ngôn ngữ - ông nói thành thạo mười lăm ngôn ngữ và
ông rất lấy làm tự hào. Dĩ nhiên em không hiểu tất cả. Ông nói không sao,
và ông có lý, bởi rốt cuộc, ông là chủ yếu. Khi ông Kauffmann kể chuyện
cho em nghe, em không cảm thấy nỗi đau, cũng chẳng cảm thấy sự thiếu
thốn. Thậm chí em còn quên mình đang ở đâu - nói thế để anh thấy cảm
giác dễ chịu đến thế nào.
Đôi khi ông mang cây trung hồ cầm theo rồi đánh đàn cho em nghe, đủ
các đoạn nhạc khiến em vô cùng rung động. Thông thường, em không thích
âm nhạc lắm. Em thấy chẳng có gì hơn sự im lặng. Nhưng với ông
Kauffmann, mọi chuyện đều khác: tiếng đàn rót vào tai em, dịu êm và trầm,
không bao giờ chối tai hết. Thế rồi tiếng đàn nhẹ nhàng luồn vào trong
ngực em. Ấm áp. Rung động. Và ngay cả khi tiếng đàn buồn, đôi khi đến
phát khóc, thì sâu thẳm trong tâm hồn, em vẫn cảm thấy rằng tiếng đàn
đem lại điều tốt cho em.
Em tiến bộ. Em bớt sợ hơn rất nhiều, và nhìn chung em chịu đựng cuộc
sống khá hơn. Thậm chí, đôi khi em cười đùa - cần phải nói rằng ông
Kauffmann biết cách nên làm thế nào. Ông ấy rất tếu, thật vui vẻ và không
thể hình dung trước. Em không bao giờ có thể đoán được ông sáng tác gì
cho bài học hôm nay, ông sẽ nói tiếng gì, ông sẽ mặc áo quần như thế nào.
Ông có một chiếc tủ quần áo không thể tưởng tượng được: hàng chục chiếc
áo dài, áo gilê dệt hoa nổi, áo sơ mi phồng trước ngực, áo vét tông bằng
nhung và những chiếc khăn lụa tơ đủ sắc màu. Mỗi giờ học với ông như
một món quà, là bất ngờ ông tặng cho em để phá vỡ không gian trong một
hai giờ, phá vỡ lề thói đã quen ám ảnh Trung tâm.