Thổi dứt bài "Mai Hoa tam lộng", Diệp Linh Tô lại yêu cầu "Dương
Quan tam điệp", tiếng sáo Lạc Chi Dương vừa trổi, nỗi sầu hận của biệt ly
tự dưng nảy sinh, hắn rời xa quê hương, thân lạc loài hải ngoại, nghĩa phụ
đã mất, người yêu giờ đây nghìn trùng cách xa, đủ mọi tình tiết bất như ý
trỗi dậy trong tim, hắn càng thổi, tiếng nhạc càng thêm thê thảm.
Diệp Linh Tô yên lặng nghe xong, cô bỗng nói: "Sao mà sáo thổi nghe
thương cảm quá vậy, có thể có bài nào vui nhộn dễ nghe hơn một chút
không?"
"Muốn vui nhộn hả?", Lạc Chi Dương cười, nói, "Vậy để tui chơi bài
'Tửu Cuồng'."
'Tửu Cuồng' là khúc nhạc do đại văn hào Nguyễn Tịch thời nhà Tấn
sáng tác. Là một tay nát rượu, Nguyễn Tịch viết khúc nhạc diễn tả lúc ông
ta say sưa đã vờ điên rồ, khúc nhạc dùng tiết tấu lặp đi lặp lại, vẽ nên cái
hình dáng đầy vẻ khôi hài trong bước đi lảo đảo, nghật ngưỡng của một tay
say sỉn trên đường cái, đoạn kết có thanh điệu 'Tiên nhân thổ tửu' (người
tiên cho chó ăn chè), vốn trời sinh sảng khoái ít câu nệ, Lạc Chi Dương đã
tấu với những âm thanh hết sức hoạt kê, Diệp Linh Tô nghe mà phải hé
miệng khúc khích cười theo.
Không bao lâu, người đưa cơm lại đến, của Diệp Linh Tô vẫn là phong
phú ngon lành như trước, phần của Lạc Chi Dương bên này cứ chẳng thể
nuốt trôi. Đợi bọn đưa cơm đi khuất, Diệp Linh Tô lại đem nguyên vẹn
thức ăn chuyển sang, ngón "Dạ Vũ Thần Châm" của cô tuyệt diệu vô song,
thủ pháp thu phát khéo léo thuần thục, mỗi bát, đĩa đựng thức ăn đều đặt
gọn ghẽ trước Lạc Chi Dương, còn chu đáo hơn hầu bàn trong quán cơm.
Ăn xong, Lạc Chi Dương lại tấu khúc 'Nghê Thường vũ y', lưu truyền từ
thời thịnh Đường, nghe nói do chính Đường Minh Hoàng phổ nhạc cho
Dương Ngọc Hoàn biểu diễn ca múa, ý nhạc mượn nguồn Thiên Trúc với
tiết tấu sáng sủa khoáng khoát dễ nghe, sáo trổi đến những chỗ tinh diệu,