kiếm một hồi, đã xoạt xoạt đánh rơi hơn mười con én, chỉ khổ một nỗi, én
rụng xuống đất chết đi hơn phần ba, bị thương tích quá nửa, đem số chết và
bị thương cộng lại trừ đi số còn sống, hắn chẳng có lấy được một con, có
khi còn bị số âm!"
Lão đạo sĩ nói đến đấy, ông cười ha hả, Lạc Chi Dương cũng vỗ tay,
reo: "Vân Hư tự cao quá đến thành cuồng si, lần này đã bị trúng kế. Đạo
trưởng trước đó từng luyện qua thuật đâm én?"
"Cũng chưa từng luyện qua, nhưng khi ta đề nghị đâm én, đã có tính
toán trước trong đầu. Từ ngày đại hiệp Vân Thù sáng chế 'Phi Ảnh Thần
Kiếm’ tới nay, đường kiếm này chuyên dùng vào việc chiến trận. Trên
chiến trường, có ta không ngươi, yêu cầu một kích là giết chết, cho nên
xuất kiếm cần thật nhanh, thật chuẩn, thật tàn nhẫn. Đối thủ thường là chưa
kịp thấy rõ, đã bị trúng kiếm mà chết, ngay cả có kịp nhìn thấy, cũng không
sao đỡ được chiêu kiếm nhanh tựa sét đánh đó.
Cho nên đó là một kiếm pháp đoạt mệnh, nhờ chỗ có cái khí thế vô tiền
khoáng hậu. Chim én tuy bay lượn nhanh nhưng sức lại yếu, sử môn ‘Phi
ảnh thần kiếm’ bén nhọn đó ra, nếu thiếu thận trọng, sẽ đâm xuyên suốt
thân chim. Nhưng 'Thái Hạo cốc' cuả ta trải bốn đời đều là đạo sĩ, trong cửa
huyền, phải nhắm vào hai từ 'xung hư’, thánh nhân xưa có dạy: ‘đại doanh
nhược xung, kì dụng bất cùng.’ (có của cải thừa thãi nhiều mà biết đem san
sẻ, công dụng thần kỳ là của sẽ không bao giờ hết), chỉ có đem cất vô đúng
chỗ thì mới còn dư mà dùng về sau, mới có thể sinh sôi nẩy nở mãi không
thôi. Cho nên‘ Dịch Tinh Kiếm’ khi luyện đến một cảnh giới nhất định,
đem cái lẽ 'Phản hư nhập xung', (tìm chỗ không mà san), mỗi nhát kiếm
đâm ra, đều phải giữ lại một phần kình lực, thứ nhất để tránh đả thương
người quá trầm trọng, thể hiện lòng khoan dung, thứ hai nếu chỗ kình lực
dư đó mà san sẻ đúng, sẽ có vô số hậu chiêu để dùng, bất kể đối thủ có biến
chiêu thế nào đi nữa, cuối cùng ta vẫn có cách ứng biến cho con đường
sống còn của mình."