rẻng, lập tức hàn khí toát ra lạnh người, thân kiếm mới ra khỏi vỏ được một
nửa, đã thấy long lanh như nước hồ thu, có thể soi rõ lông mi lông mày.
Minh, Trúc hai người mắt thao láo, miệng há hốc, bọn hắn chỉ lo lục
tung mấy cái rương, đâu có ngờ trong một đống đồ đồng nát kia lại ẩn giấu
một thanh bảo kiếm.
Trải qua hơn năm trăm năm mà thân kiếm vẫn sáng loáng như mới, chỉ
bằng mỗi điểm này, cũng đủ biết đấy là một bảo vật hiếm có.
Lạc Chi Dương đưa kiếm ra chỗ ánh sáng, hắn nhìn kỹ thân kiếm, dưới
chuôi kiếm khắc một hàng chữ triện, chữ viết theo cổ phong, hắn đọc
không ra. Tịch Ứng Chân đón lấy nó, ông lẩm nhẩm 'Chân Cương Đoạn
Ngọc', bất giác ông nhướng mày, kêu "ủa" một tiếng, rồi buột miệng la lớn
"Đây là thanh Chân Cương trong số 'Việt Vương bát kiếm' đây mà!"
"Việt Vương bát kiếm?", Lạc Chi Dương ngạc nhiên, hỏi ông, "Là cái gì
vậy?"
Tịch Ứng Chân khẽ vuốt ve thân kiếm, vẻ mặt sống động, "Tương
truyền, thời Xuân Thu, vua nước Việt là Câu Tiễn đã dùng quặng sắt khai
khẩn từ núi Côn Luân, dẫn nguồn nước từ Xích Tuyền về, triệu tập các
danh thủ nghề đúc kiếm lại mà tạo nên tám cây kiếm, một cái trong đó
chính là Chân Cương. Kiếm này cắt ngọc, chặt sắt như cắt bùn, không thua
mấy cây Cự Khuyết, Trạm Lư là bao. Ta cứ nghĩ rằng đó chỉ là truyền
thuyết, ai ngờ đúng là có kiếm này thật, tính toán kỹ, nó có tuổi đời hơn hai
ngàn năm, nó đã được tôi luyện giỏi đến nỗi không mang một chút dấu vết
han rỉ."
Diệp Linh Tô nhíu mày: "Ở đâu kiếm ra được một thanh gươm qua hai
ngàn năm mà không rỉ sét, chắc đây chỉ là của giả thôi!"
Tịch Ứng Chân cười nói: "Thử một lần khắc biết."