một con thuyền nho nhỏ, ung dung thanh thản dạo chơi tứ xứ, ý tứ lại càng
cao hơn khúc 'Thu hồng' vừa rồi.
Lạc Chi Dương là một tên đầu đất, nhưng hắn cũng nhận ra ý ganh đua
của đối phương, tuổi trẻ hăng máu, ngay khi đàn vừa dứt tiếng, hắn chơi
ngay một khúc 'Tiều ca', thanh cao khoáng đạt, rất có nét bất cần đời, mặc
kệ người, ngắm mây hóng gió, thảnh thơi tiếu ngạo nhật nguyệt. Cũng
không chờ tắt khúc sáo của 'Tiều ca', tiếng đàn đã reo vang, đậm nét cổ
kính, Lạc Chi Dương thoáng sửng sốt, nhận ngay ra cổ khúc 'Cao Sơn', do
cầm thánh Bá Nha trước tác từ thời thượng cổ, truyền đến đời sau, khúc
phổ có phần lược giản đôi chút, nhưng cái giản đơn này là một giản đơn
thuộc loại cao cấp, nét nhạc càng giản dị chừng nào, chơi được cho đúng
càng không phải dễ, thế mà qua ngón đàn của tay cầm thủ điêu luyên này,
một bầu không khí nhuốm vẻ ung dung đã đến bao trùm toàn thể trời đất,
toát vẻ sừng sựng hùng vĩ của núi non cao ngất, ào ào tựa nghe gió to
khuấy động rừng già, khuấy động nhật nguyệt, rung chuyển núi sông, có
khí thế như thể đang trèo đến tận tuyệt đỉnh của tháp cao chót vót, đứng từ
đấy nhìn xuống thiên hạ nhỏ bé bên dưới. Lạc Chi Dương không cam lòng
lép vế, tiếng đàn còn chưa dứt, hắn nâng sáo thổi vang khúc 'Lưu Thủy'.
Nước từ non cao đổ xuống, người xưa từng nói, thế nước khi mạnh tất
chẳng gì có thể cản ngăn, khúc sáo tương hợp cùng tính tình Lạc Chi
Dương, hắn xuất thần thổi đến mức mênh mang tâm hồn, nét nhạc cuồn
cuộn tuôn nhanh tựa thác đổ sầm sập, lượn lờ như giòng suối con nhẹ
nhàng chảy xuôi, thanh âm chầm chậm, uyển chuyển dung hòa vang vọng
hoài không dứt, khiến người nghe cảm giác rũ sạch ưu tư, nghe đến độ
muốn quên hết tất cả.
Khúc sáo thổi được quá nửa, đàn bỗng vang lên, nghe ra là khúc 'Ngư
Tiều Vấn Đáp', tiếng đàn mềm mại chầm chậm, không một nét khiêu khích,
ẩn ước mang ý cầu hòa. Lạc Chi Dương kinh ngạc, bản đàn vừa ngừng sau
một tiểu đoạn, tiếng sáo hắn cũng tấu lên cùng bài 'Ngư Tiều Vấn Đáp'.
Hắn và tay quỷ quái gẩy đàn nọ chưa hề gặp mặt, lúc ấy, đàn sáo hợp tấu,