đang dần tăng lên. Đang ở mức 37,9 độ C.” Nhiệt độ đang tiến dần tới
ngưỡng khiến tôi gục ngã.
Thể trạng luôn có xu hướng thiếu nước của tôi làm cho tình hình trở
nên trầm trọng hơn. Tôi thuộc kiểu người mà Nhóm nghiên cứu Nhiệt
của USARIEM vẫn hay gọi là “người uống nước miễn cưỡng”. Dù
được cho phép uống bao nhiêu tùy thích thì người uống nước miễn
cưỡng ở trong buồng đổ mồ hôi vẫn nhanh chóng bị mất 2% khối
lượng cơ thể. Và bạn không thể tin tưởng cơn khát sẽ báo hiệu cho bạn
biết cần phải uống bao nhiêu nước. Yas Kuno viện dẫn các nghiên cứu
trong đó những người đàn ông đã đi bộ từ ba đến tám tiếng mà không
uống nước, sau đó họ được phép uống bao nhiêu nước tùy thích.
Những người này thường dừng uống ngay khi cảm thấy hết khát.
Trung bình, họ dừng uống khi mới chỉ uống vào một phần năm lượng
nước đã mất do thoát mồ hôi.
Phía ngoài “lò nướng” là một chiếc bồn tắm khá lớn bằng nhựa màu
xanh được đổ đầy nước lạnh dành cho những người có nhiệt độ cơ thể
vượt quá 39,5 độ C. Ngâm mình vào nước lạnh chính là cách nhanh
nhất để chữa quá nhiệt. Khi một vật rắn hay chất lỏng nóng tiếp xúc
với vật mát hơn, chúng sẽ trở nên mát và vật mát trở nên nóng hơn.
Đó là sự truyền nhiệt. Sự truyền nhiệt giải thích tại sao người sống sót
trong các vụ đắm tàu ở vùng nhiệt đới có thể mất mạng vì hiện tượng
“mất nhiệt trong nước ấm”. Chỉ cần nhiệt độ nước biển thấp hơn nhiệt
độ cơ thể thì họ sẽ liên tục bị mất nhiệt vào trong nước.
Dĩ nhiên, sự truyền nhiệt cũng có thể làm nóng cơ thể. Nếu như bạn
cảm thấy mệt trong sa mạc, đừng ngồi trực tiếp lên nền cát - hay dựa
vào một chiếc Land Rover. Cát có thể nóng đến 55 độ C trong khi kim
loại còn nóng hơn. Hiện tượng truyền nhiệt cũng giúp lý giải vì sao
mặc quần áo rộng lại mát hơn vào mùa hè. Một chiếc áo sơ mi rộng
thùng thình cũng nóng lên vì hấp thụ nhiệt, nhưng do vải ít tiếp xúc
nhiều với da bạn, nó không - không giống như một chiếc áo phông bó