thấy ngay cả một cú đá bằng chân sau của một con chuột đồng đang
bơi vào mũi cá mập cũng đủ để kích hoạt “phản xạ giật mình và khiến
nó ngay lập tức chuồn mất.”) “Lũ cá mập chỉ thích nhắm đến người
chết,” lời của một người sống sót được trích trong cuốn sách phổ biến
nói về vụ chìm tàu USS Indianapolis năm 1945, một sự kiện thường
được nêu ra trong các cuộc thảo luận về cá mập tấn công trong quân
đội. “Nói thật là trong suốt 110 giờ tôi ngâm mình trong nước,” Đại tá
Hải quân Lewis L. Haynes nhớ lại, trong một buổi kể chuyện về việc
bị cá mập tấn công do Cục Y tế và Phẫu thuật Hải quân Mỹ tổ chức,
“tôi không hề thấy bất kỳ ai bị cá mập tấn công…” Chúng dường như,
ông nói, “thỏa mãn với các tử thi.” Haynes nói rằng 56 tử thi bị cắn xé
thậm tệ đã được vớt lên nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy trong
đó có những xác bị cắn khi vẫn còn sống.
Vậy tại sao lũ cá mập lại cứ bám theo quanh quẩn xuồng cứu sinh?
Vì những thứ bên dưới đáy xuồng. Các đàn cá nhỏ bơi hờ hững ở đó,
để núp bóng râm hoặc để ăn những sinh vật biển nhỏ hơn tụ lại dưới
bóng râm của xuồng. Một thủy thủ thời Thế chiến II nhớ lại: “Những
con cá lớn đến để ăn cá tuế, rồi lũ cá lớn hơn lại đến để ăn chúng; cuối
cùng là mấy anh chàng với vây lưng khác thường tới để xem sự hỗn
loạn ở đó là gì.” Thêm một điều nữa, bởi vì tôi thích nó: “Lũ cá mập
lặn xuống và bơi ngay phía dưới xuồng cứu hộ… chúng tôi cố ngồi
thật yên,… và một chàng kỹ thuật viên ra-đa đã phải cố nhịn không
dám đại tiện qua mạn xuồng vì sợ lật. Con cá mập lặp lại hành động
này vài lần, nhưng có vẻ không lần nào là vì chúng tôi cả.”
Câu chuyện về cá mập vẫn tiếp tục như thế. Tôi biết có một trường
hợp duy nhất được ghi nhận gần đây về lính Hải quân bị cá mập cắn.
Năm 2009, một con cá mập bò mắt trắng đã ngoạm đứt tay và chân -
bằng một phát đớp - của một người nhái Úc trong cuộc diễn tập chống
khủng bố tại cảng Sydney. Tôi hỏi chuyên viên quan hệ công chúng
của Bộ Chỉ huy Chiến tranh Đặc biệt Hải quân, Joe Kane, về việc cá
mập tấn công lính SEAL Hải quân. “Cô tiếp cận vấn đề sai hướng