mập,” Tester trầm trồ, “có khả năng lần theo và đổ dồn về tấn công
một con cá bị hoảng loạn (ví dụ như những con cá vẫn sống với miệng
mắc vào lưỡi câu nhưng không bị thương bất kỳ chỗ nào khác) với tốc
độ và độ chính xác phi thường.”
Hoạt động xiên cá có thể lý giải vì sao 17% số nạn nhân bị cá mập
tấn công lại mặc đồ lặn. Giả thuyết ban đầu cho rằng lũ cá mập nhầm
lẫn người mặc đồ lặn màu đen với hải cẩu. Điều đó cũng có thể đúng,
nhưng với hoạt động xiên cá thì nhiều khả năng những phụ kiện của
bộ đồ lặn - mũi lao và thắt lưng treo đầy những con cá đang rỉ máu -
mới là thứ thu hút cá mập.
Cá chết cũng báo hiệu giờ ăn đã đến. Tester đã thử cho cá mập vây
đen và cá mập sọc trắng tiếp xúc với đủ loại thịt tươi: cá ngừ, lươn
biển, cá mú, cá chỉ vàng, cá vẹt, trai khổng lồ, bạch tuộc, mực và tôm
hùm. Tất cả chúng đều được anh liệt vào hàng thức ăn ưa thích. Cá
mập có vẻ không thích sự mạo hiểm. Chúng thích những con mồi
không có khả năng phản kháng. Bị thương thì tốt, chết còn tốt hơn.
Điều làm bạn còn thắc mắc về khả năng đuổi cá mập của thịt cá
mập phân hủy cũng là điều khiến Tester thắc mắc. Anh thu thập mẫu
“chất có khả năng đuổi cá mập” từ một ngư dân, một mẫu từ phòng thí
nghiệm nghề cá và một mẫu được nhóm của anh chuẩn bị bằng cách
để thịt cá nhám búa và cá mập hoa ngoài trời dưới cái nóng nhiệt đới
trong một tuần. Anh không thấy tác động đuổi cá mập nào từ chúng.
Ngược lại, nhiều lúc chúng lại lôi kéo lũ cá mập đến. “Kết quả của
chúng tôi… có vẻ như khác biệt hẳn với các kết quả của Springer…
không thể đưa ra lời giải thích nào thuyết phục cả.” Có lẽ Tester chẳng
màng đến sức hút mãnh liệt của tiền lại quả từ các nhà máy chế biến
cá mập.
Cá như nào thì người như vậy. Hết lần này đến lần khác, các báo
cáo về cá mập tấn công ở Thế chiến II đều nói đến việc những tử thi bị
cá mập tấn công. Một thủy thủ trôi dạt trên biển có thể dùng chân đá
hoặc khuấy nước để xua đuổi một con cá mập tò mò. (Baldridge nhận