bay tự sát năm 2015 của hãng Germanwings, yêu cầu phải có hai
người ở trong buồng lái.
Nếu như đây là một vụ phóng tên lửa thực sự, tôi dám cá rằng
adrenalin trong cơ thể sẽ giữ cho cả đoàn thủy thủ tỉnh táo bất kể họ đã
thức lâu đến mức nào. Tuy nhiên, ngày qua ngày, lịch làm việc thông
thường trên một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới là thứ khiến
người ta ít hăng hái. Công việc gác trực hầu hết chỉ là: hàng giờ ngồi
theo dõi. Theo dõi màn hình hiển thị, thông số, núm xoay, tín hiệu
sóng âm phản hồi. Nó là một mớ những điều đáng lo ngại: thiếu ngủ,
sự nhàm tẻ và những thứ có nguy cơ phá hủy. “Hải quân không muốn
chúng tôi công bố bất cứ thứ gì nói rằng những thủy thủ đang giám sát
các lò phản ứng hạt nhân này ngủ gật trong phiên gác,” Dyche nói với
tôi. “Nhưng chúng tôi biết là họ có ngủ gật.” Ngay cả lúc thức, những
người uể oải không phù hợp cho việc đứng gác. Khi các nhà tâm lý
học cho những người thiếu ngủ làm các phần việc thông thường cần
phải tư duy, số điểm của họ trên thang đo “mức độ cảnh giác tâm lý” -
hay khả năng chú ý và phát hiện những thứ bất thường - giảm đáng kể.
Tôi chưa từng được thăm lò phản ứng của chiếc Tennessee và
những người trông coi nó, vì lý do an ninh, nhưng tôi đã được thăm
buồng ngư lôi. Có bốn quả ngư lôi, đồ sộ như những khúc gỗ công
thành thời trung cổ. Thật ngọt ngào (tôi cho là vậy), chúng được đặt
tên theo tên vợ của những thủy thủ phóng ngư lôi. Tôi hỏi người đang
trực gác rằng lần cuối một tàu ngầm Mỹ buộc phải phóng ngư lôi vào
tàu khác là khi nào. Cậu ta nghĩ một lúc, “Thế chiến II”. Cậu ta đảm
trách một công việc buồn chán, luôn sẵn sàng cho một hành động chỉ
cần thiết trong những tình huống cực kỳ khó xảy ra. Công việc trực
gác của một thủy thủ phóng ngư lôi là một danh mục những thứ cần
kiểm tra, đi loanh quanh và công việc giấy tờ. Luôn gắn với công việc
giấy tờ.
Ngoài buồng định vị thủy âm và Trung tâm Điều khiển Tên
lửa, hầu như toàn bộ tàu Tennessee đều được điều khiến bằng cơ khí.
Tôi nhìn quanh khoang chứa tên lửa và nghĩ, các bộ phận của kèn