mặc một tấm áo dài bằng vải thô màu xám tro. Người phụ nữ mày
liễu mắt hạnh, điềm đạm thanh lệ. Mọi người đều chú ý tới người
phụ nữ đó, thấy nàng chỉ vận một tấm áo ngắn tay, một chiếc
quần màu lam, đầu cài thoa gỗ, mặt không phấn son, nhưng
thanh tao tự nhiên, nói cười cao nhã.
Cả hai đều đã ba lăm, ba sáu. Chỉ nghe người phụ nữ đó cười mà
nói rằng: “Ngạo Chi, chàng có biết trên Hảo Đăng lâu này từng có
đôi câu đối nổi tiếng không?”
Người nam nọ “ồ” một tiếng, ngước mắt nhìn sang Tam Nương
- hai người này chính là vợ chồng Thẩm Phóng và Tam Nương Tử, vì
liệu trước được tai ương nên đã lánh khỏi phủ Trấn Giang. Người vợ
này của Thẩm Phóng tên gọi là Tam Nương Tử - nói ra thì đoạn nhân
duyên giữa hai người cũng có chút li kỳ, có điều đó đã là chuyện của
mười năm trước - Thẩm Phóng trước nay rất kính trọng thê tử, giờ
không khỏi nghiêng tai nghe nàng nói.
Chỉ thấy Tam Nương Tử kể: “Thiếp nghe vị tiên sinh kể chuyện
có nói, danh lâu trong thiên hạ truyền đời tổng cộng có ba mươi sáu
nơi, Lâu Ngoại lâu ở Lâm An, Nhạc Dương lâu ở Động Đình, Ngũ
Nhàn lâu ở Kim Lăng, Phàn lâu ở Biện Kinh, Tây lâu ở Tương Dương,
lại thêm Hảo Đăng lâu nơi đây được mệnh danh là sáu tòa lâu trung
chi lâu. Mấy tòa lâu khác bởi đâu được xưng là danh lâu thì thiếp
không biết, nhưng cái sự thành danh của tòa Hảo Đăng lâu này chỉ e
là nhân một câu chuyện.”
Thẩm Phóng lại “ồ” tiếng nữa, hắn biết tuy Tam Nương là
phận nữ nhưng kiến văn rất rộng, mà trước nay hắn cũng thích
nhất là nghe nàng kể chuyện, tuy đều là thứ không ghi trong chính
sử nhưng lại rất sống động.