thịnh tới suy, vậy thì vương triều nhà Tống cùng thần dân của
mình lúc này chỉ e cũng giống như một cô gái ngoài ba mươi tuổi đã
lộ chút mệt mỏi. Nàng đã hiểu được cái vất vả của đời người, lúc phải
thoa phấn tô mày để lên sân khấu thì vẫn phải làm, nhưng sau khi
tẩy trang thì thường đượm một vẻ đẹp đẽ đầy nét mệt mỏi. Uể oải
cũng là một vẻ đẹp, người chín chắn thích vẻ đẹp này, thích cái dạng
uể oải sau khi đã trải cõi đời nhưng vẫn còn nồng nàn, tuy cũng bởi
đắm chìm trong đó mà khó bề phấn chấn lại nhưng khó nói đây
không phải là một dạng cư xử minh triết của bản thân. Đây chẳng
phải cũng là một thứ tâm thái tập thể vô thức của đám người tấp nập
ở
ven bến Thuận Phong, ở Giang Ninh vào cái thời đại này sao?
Bãi trống trước miếu, mới tinh mơ mà đã có không ít người tụ
tập, nhưng có ba người mãi nghệ dưới cây tang khô cằn đằng đông
là xem ra đặc biệt. Ở đó có một lão mù ôm hồ cầm, một tiểu cô
nương mười lăm, mười sáu và một hán tử khỏe mạnh tuổi ngoài ba
mươi. Hán tử nọ lúc bắt đầu thì mạnh mẽ, phần phật đánh một bộ
Phục hổ quyền, hấp dẫn người tới xem, sau đó trong chốn đông
người dẹp ra một khoảng trống, ngồi xuống cái ghế băng mượn ở
hàng rượu bên cạnh nghỉ ngơi. Tiếp đến là lão già nọ kể chuyện
trong sách một hồi, kể rất khá, đám đông nức tiếng khen hay. Sau
nữa lại nghe lão đầu mù hắng mấy tiếng, đã đến lúc cô cháu gái
của lão xuất hiện rồi. Cô cháu gái lão mặc một chiếc áo vải hoa,
chính là Tiểu Anh Tử từng có mặt trong đêm mưa ở trạm dịch Khốn
Mã Tập. Có hai tháng ngắn ngủi, cô bé đã lớn thêm mấy phần,
thân hình thiếu nữ ẩn dưới bộ áo hoa đã lộ chút đường cong rồi. Cô
bé chỉnh lại mái tóc rối, chỉ nghe ông nội cười với đám đông mà nói:
“Chư vị, bây giờ cháu gái tôi sẽ hát một khúc trợ hứng cho mọi người.”
Nói rồi, lão cầm đàn kéo mấy tiếng, rồi lại cất giọng nói:
“Nhắc tới khúc này thực cũng bình thường, gần nửa tháng nay
chúng tôi hát khúc này suốt dọc đường, những nơi đi qua, hát xong