bao giờ họ nói được rằng: “Lão ta hết thời rồi, cạn kiệt rồi, chỉ còn là con
người quá khứ thôi”. Bởi lẽ anh sẽ có vốn hiểu biết ngang bằng họ - và còn
hơn nữa. Bởi lẽ anh sẽ có kinh nghiệm đi kèm theo với nó.
Giọng nói tắt dần, Pearson quay đi.
- Tôi sẽ cố gắng ghi nhớ - Coleman nói. Giọng anh dịu dàng - xin tiễn
ông ra đến cổng.
Hai người bước lên cầu thang từ khoa xét nghiệm. Trên tầng chính của
bệnh viện, tiếng huyên náo của sinh hoạt chiều tối đang bắt đầu. Một cô y
tá bưng khay đồ ăn vội vã vượt qua họ, vải hồ cứng của bộ đồng phục kêu
sột soạt theo bước chân. Hai người tránh sang một bên nhường lối cho
chiếc xe lăn của một người đàn ông trung niên chân bó bột, tay nắm cặp
nạng như hai chiếc mái chèo được rút vào lòng ghe. Ba cô y sinh vừa bước
qua vừa cười nắc nẻ. Một nhân viên Hội trợ giúp phụ nữ đẩy chiếc xe phân
phối tạp chí. Một người đàn ông cầm bó hoa bước về phía dãy thang máy.
Đâu đó có tiếng trẻ con khóc..Đây là thế giới bệnh viện : một cơ thể sống
một tấm gương phản chiếu thế giới bên ngoài.
Pearson đang nhìn quanh. Coleman nghĩ thầm: Ba mươi hai năm, ông cụ
đang ngắm lại tất cả, có lẽ lần cuối cùng. Anh tự hỏi: Mai sau đến lượt
mình ra đi, khung cảnh này rồi sẽ thế nào ? Ba mươi năm sau mình còn nhớ
được giây phút bây giờ không ? Khi ấy liệu mình có hiểu nó rõ hơn chăng ?
Hệ thống loa chung vang tiếng gọi :
- Bác sĩ David Coleman ! Mời bác sĩ Coleman đến khu phẫu thuật !
- Bắt đầu rồi đó - Pearson nói - Làm sinh thiết lạnh đấy, anh nên đi đi
thôi - ông chìa tay ra - Chúc may mắn! Coleman nghẹn lời :
- Cảm ơn ông.
Ông cụ gật đầu quay đi.
- Chào bác sĩ Pearson - Tiếng một bà y tá vang lên.
- Xin chào - Pearson đáp lại. Rồi trên đường đi ra ông dừng chân dưới
một tấm biển “Cấm hút thuốc” để châm một điếu xì gà.
HẾT