quân bài domino, các sự việc cứ đổ ập xuống liên tục và đều đặn, y như thể
tôi xếp đặt toàn bộ cuộc đời ra chỉ để búng nó xuống vậy.
Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2013, tôi quyết định bắt đầu điều trị
bulimia. Ngần ấy năm liền, bao nhiêu cơn đau, bao nhiêu lần nghĩ rằng
mình không qua khỏi, tôi tảng lờ nó đi như lờ một bóng ma lang thang
trong khóe mắt. Thế mà, đúng là giọt nước làm tràn ly, câu chuyện tôi bắt
đầu nhập viện bắt đầu rất đơn giản: Trong một lần đi uống trà đá với Thảo,
Thủy, Nam và Dương, tôi không thể ngồi trên cái ghế nhựa được vì mông
quá đau. Xương hông không có gì để chống, chọc vào miếng nhựa cứng, tôi
loay hoay, xoay đi xoay lại, và cái sự khó chịu đơn giản ấy làm tôi nhận ra
tôi không còn khả năng làm cả những việc bình thường như uống trà đá
nữa. Thế là ngay ngày đầu quay trở lại Singapore, tôi cắn răng lấy hết số
tiền tiết kiệm ra để đi gặp bác sĩ.
Phòng bệnh rối loạn ăn uống cũng như trường quay một bộ phim hài.
Toàn những em gái trẻ măng, người mỏng đến nỗi chỉ nhìn họ là bạn sẽ
hiểu được nỗi đau, và hầu hết là bị bắt ép nhập viện do gia đình, bố mẹ.
Các cô ngồi trong phòng, uống nước ừng ực, giấu cục nặng vào túi để cân.
Chương trình chữa bệnh của viện là kê thuốc trầm cảm, khám bác sĩ tâm lý
và cân hàng tuần, và các cô phải đạt chỉ tiêu tăng cân mỗi tuần theo như
bác sĩ yêu cầu. Tôi đi vào khám, bác sĩ lôi cái đĩa đặt lên bàn, và hỏi tôi là
em có biết khẩu phần ăn của một người bình thường trông như thế nào
không? Tôi lắc đầu. Bác sĩ lắc đầu. Bác sĩ lôi ra những món ăn bằng nhựa
như đồ chơi đồ hàng trẻ con, đặt lên một cái đĩa: "Đây này, ngần này thịt,
ngần này rau, ngần này cơm." Tôi nhìn và nghĩ, nó bằng khẩu phần tôi ăn
trong cả tuần.
Cứ thế, tôi chấp hành, không tranh cãi bất kỳ điều gì bác sĩ nói. Đều
đặn, mỗi tuần tôi lên nửa cân, mỗi tuần tôi muốn chết hơn gấp đôi. Mỗi bữa
ăn là một cực hình, tôi quá quen với việc ăn đồ ăn trẻ em sơ sinh, uống chỉ
nước hoa quả xay cả tuần, chỉ một tí đường hay tinh bột cũng làm da tôi