như thể ông đã luyện nói chúng cả vài tuần rồi.
Thường thì, tôi sẽ đề nghị được ở một mình, nhưng gần đây tôi
mới áp dụng một tâm niệm, “Du khách vãn cảnh còn lữ khách kiếm
tìm.” Tôi là một lữ khách, một người đang cố gắng trải nghiệm
nhiều hơn thay vì chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các nhà thờ và bảo
tàng. Tôi muốn quan sát mỗi đất nước mình đặt chân đến qua đôi
mắt của người dân địa phương, và có điều gì đó khiêm nhường
trong giọng nói của người đàn ông này khiến tôi tò mò. Tôi nói với
ông tên tôi là Adam và hỏi sao ông lại đến đây. Ông kể mình đến
đây để tổ chức lễ rửa tội cho đứa cháu. Sau khoảng 10 phút hỏi han
thông thường, ông cho tôi biết lý do tại sao ông tiếp cận tôi.
“Chú là giáo viên. Chú tự học tiếng Anh, nhưng phát âm không
chuẩn lắm. Chú muốn cháu giúp chú học tiếng Anh để chú còn
dạy bọn trẻ nhà chú. Chú muốn mời cháu đến ở làng chú. Cháu có
thể ở lại với vợ chồng chú bao lâu cũng được.”
“Chú sống xa đây không ạ?” tôi hỏi, nửa đùa nửa thật.
“Cách đây khoảng hai giờ đi xe, tít trong núi. Làng chú là làng
Palestina. Chú sẽ cho cháu số điện thoại di động và hãy gọi cho chú
khi nào cháu muốn ghé qua.” Ông cực kỳ nghiêm túc.
Tôi ngất ngây trước lời đề nghị bất ngờ này, nhưng tôi cần
thêm thông tin. Gia đình tôi sẽ muốn biết tôi ở đâu. “Nếu muốn
đến ở với gia đình chú, cháu có thể tìm đến đường nào và số nhà
bao nhiêu ạ?”
“Đường ở quê chú không có tên. Nhà cũng chẳng có số. Cháu chỉ
cần hỏi Joel làng Palestina. Làng nhỏ lắm. Mọi người ai cũng biết
chú.”