Thất vọng, tôi tiến thẳng đến ngôi làng cuối cùng, Pha
Theung, ngôi làng được cho biết là cần một trường mầm non (bao
gồm cả vườn trẻ) dành cho trẻ trong độ tuổi từ ba đến năm tuổi hơn
bất cứ ngôi làng nào khác. Chúng tôi đi qua những dãy núi xanh
tươi, những cánh đồng trải thảm ngút ngàn, vẫy tay với những đứa
trẻ đi ngang chúng tôi trên đường. Đến nơi, chúng tôi đi xuống một
con đường đất dẫn vào một ngôi làng ven sông, ở đây chúng tôi nhìn
thấy một ngôi trường với ba phòng học dành cho các lớp từ lớp Một
đến lớp Ba và một túp lều tre dành cho lớp Bốn. Họ chẳng có gì
dành cho các bé nhỏ hơn.
Khi tôi lén nhìn vào túp lều tre, ba bé gái đang tập viết trên
bảng mà không có thầy cô giáo. Không để ý thấy tôi, đứa lớn nhất
đánh vần từng từ trong khi hai đứa còn lại hì hụi viết. Sau đó đứa
lớn sửa cho hai đứa nhỏ hơn và thúc giục chúng chịu khó hơn. Cô bé
trông giống như bạn nữ mà tôi đã ngồi cạnh hồi lớp Bốn. Tôi
nghĩ cuộc sống của cô bé sẽ khác đến thế nào nếu được sinh ra ở
nơi khác, và cô làm tôi nhớ đến câu chuyện của tôi, cách đây vài
thế hệ thôi, gia đình tôi cũng đã sống trong một ngôi làng rất nhỏ.
Khi tôi đến gần, chúng ngay lập tức túm tụm lại với nhau vì xấu
hổ, che miệng giấu đi nụ cười.
Lúc đầu, tôi viết tên tôi, Adam, lên bảng đen để chúng thấy. Có
vẻ chúng không hiểu. Nhớ lại cách giao tiếp ở Sở Giáo dục, tôi chỉ
tay vào ngực mình và nói bằng tiếng Lào, “Khoi seu AB”. Anh là
AB. Tôi viết AB, lần này bằng chữ lớn hơn, và đưa viên phấn cho
bé gái lớn tuổi nhất. Lúc đó, một đám nhỏ khoảng 15 đứa trẻ trong
làng đã quây quanh túp lều tre và cười phá lên khi tôi nói, “Giờ đến
lượt em,” và hất đầu về phía bảng đen. Sau nhiều lần thúc giục,
cô gái nhanh chóng viết những nét chữ rất đẹp bằng tiếng Lào
lên bảng và đưa viên phấn cho tôi. “Can-tong”, cô bé nói, và những
đứa trẻ khác lại cười phá lên.